Mong muốn các doanh nhân đóng góp tích cực cho xã hội
HGĐT- Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.067 doanh nghiệp, doanh thu năm 2010 đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 290 tỷ đồng. Sự đóng góp của doanh nghiệp rất có ý nghĩa đối với nền KT-XH, đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp rất quan trọng nhưng nếu mỗi doanh nhân truyền đạt được kinh nghiệm, cách làm để mọi người học tập thì hiêu quả sẽ tích cực hơn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với các doanh nhân tiêu biểu tại buổi gặp mặt đầu Xuân. |
Được sinh ra trên địa bàn huyện vùng khó Hoàng Su Phì, sau hơn 10 năm hoạt động, Công ty TNHH Tiến Đạt đã có bước phát triển vượt bậc, lĩnh vực hoạt động được mở rộng từ chuyên thực hiện các công trình XDCB sang đầu tư bất động sản với nhiều dự án lớn ở các đô thị hiện đại. Đến nay, thương hiệu Tiến Đạt đã nổi tiếng trong “làng doanh nhân” cả nước nhưng ít ai biết doanh nhân Đỗ Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt khởi đầu sự nghiệp với cơ sở kinh doanh rất khiêm tốn. Vào những năm đầu thời kỳ đổi mới đất nước, chàng trai Đỗ Văn Tân lúc đó mới 22 tuổi đã rời vùng quê Hải Hậu (Nam Định) lên Hà Giang lập nghiệp bằng nghề kinh doanh hàng tạp hóa, đồng thời tổ chức thu mua, chế biến nông sản. Mỗi năm, cơ sở kinh doanh của anh cung cấp ra thị trường hàng nghìn máy phát điện, máy sao chè mi-ni; hàng nghìn bộ chăn, màn, áo ấm, đồ sinh hoạt cho các hộ gia đình; thu mua hàng trăm tấn nông sản cho nhân dân.
Những năm tháng kinh doanh đó đã giúp anh tích luỹ kinh nghiệm, vốn, xây dựng được mỗi quan hệ với nhiều bạn hàng và đến năm 2000, chủ cơ sở kinh doanh Đỗ Văn Tân quyết định thành lập Công ty TNHH Tiến Đạt. Qua hơn 10 năm hoạt động, thương hiệu Tiến Đạt được nhiều người biết đến, Công ty xây dựng thành công hệ thống quản lý doanh nghiệp đạt chuẩn IZO 9001-2008. Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn thực hiện tốt phương châm trọng dụng nhân tài, có kế hoạch đào tạo, bỗi dưỡng nguồn nhân lực, cùng hợp sức xây dựng và điều chỉnh chiến lược phát triển trung và dài hạn, có sự đi tắt, đón đầu; cán bộ quản lý làm việc trong Công ty luôn dành thời gian nghiên cứu, học hỏi các sách lược kinh doanh, cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước...nhằm vận dụng vào thực tế của doanh nghiêp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Tân khẳng định: Từ khi thành lập đến nay, Công ty luôn phát triển bền vững, đào tạo, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn quan tâm tới các hoạt động xã hội, từ thiện, số tiền đóng góp đến nay đạt hàng trăm triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng; người lao động làm việc tại Công ty được bình đẳng thỏa thuận trước khi ký hợp đồng, các chế độ tiền lương, tiền thưởng được trả đúng công sức, đúng vị trí công việc, ngoài ra còn được khen thưởng kịp thời khi họ thực hiện tốt công việc, đảm bảo chất lượng, tiến độ được giao. Những kinh nghiệm tích lũy được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nhân Đỗ Văn Tân đều truyền đạt để mọi người cùng học tập và đã có nhiều công nhân làm việc cho Công ty trưởng thành, đứng ra thành lập doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ghi nhận công lao đóng góp của doanh nhân Đỗ Văn Tân, các cơ quan T.Ư, UBND tỉnh đã trao tặng nhiều Bằng khen; tặng cúp Vàng “Vì sự nghiệp phát triển cộng đồng toàn quốc”; “Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Hà Giang”...
Tuy mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh nhưng hình thức hoạt động của Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần được đánh giá rất cao, quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân địa phương được gắn kết chặt chẽ nhằm giúp người nông dân phương pháp tiếp cận với KHKT, từng bước trang bị kiến thức để họ từ vươn lên làm giàu. Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ. Ngay khi thành lập, Công ty đã triển khai Đề án đào tạo 80 giáo viên mầm non, 38 y sỹ, 124 y tá kiêm cô đỡ thôn bản. Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần đã xây dựng hàng chục ha mô hình sản xuất ngô hàng hóa ở các thôn Súng Sảng (thị trấn Cốc Pài), Cốc Cam, Lùng Mở (Tả Nhìu) với 81 hộ tham gia. Các hộ tham gia được Công ty, huyện Xín Mần hỗ trợ 100% giá giống, phân bón, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá 4 nghìn đồng/kg và được điều chỉnh tăng theo giá thị trường. Với sự hỗ trợ về giống, phân bón, diện tích ngô đạt năng suất 61 tạ/ha, cao gấp 2 lần năng suất ngô địa phương; khi thu hoạch, Công ty đưa máy tẽ ngô đến từng nhóm hộ và hỗ trợ tiền dầu máy, hướng dẫn kỹ thuật vận hành, đồng thời thu mua với giá 4,1 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi 16 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần ngô địa phương, cách làm này được chính quyền, người dân đánh giá rất cao. Ngoài ra, Công ty đang xúc tiến thực hiện các dự án trồng, chế biến chè sạch; nuôi lợn đen; trồng ớt chỉ thiên; xây dựng dự án trồng 10 nghìn ha rừng kinh tế...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.067 doanh nghiệp, tuy nhiên có tới 628 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XDCB, chiếm gần 59%; chỉ có 127 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chiếm gần 12%; 288 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ; 24 doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp đa ngành nghề. Nhìn vào thực tế trên cho thấy, tuy số lượng doanh nghiệp đông nhưng phần lớn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước rót vào lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, doanh nghiệp trực tiếp làm ra của cải vật chất, làm ra sản phẩm hàng hóa có hàm lượng chất xám cao rất ít. Điều này lý giải vì sao trên 1 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng năm vừa qua mới chỉ đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 290 tỷ đồng, số tiền trên là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển nhưng quá khiêm tốn!
Tại buổi gặp mặt đầu Xuân với doanh nghiệp, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh khẳng định: Đồng vốn của doanh nghiệp rất quan trọng nhưng kinh nghiệm thực tiễn, cách làm của họ còn quan trọng hơn nhiều. Các doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh đều khởi nghiệp từ những cơ ngơi rất nhỏ bé, nếu kinh nghiệm của họ được truyền đạt để mọi người cùng học tập, làm theo thì hiệu quả và đóng góp của họ đối với xã hội là rất lớn. Vì vậy, tỉnh luôn khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vốn, KHKT theo hình thức liên doanh, liên kết với các hộ nông dân để phát triển sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn thành lập các công ty cổ phần phát triển địa phương tại các huyện nghèo nhất nước theo mô hình Công ty Cổ phần phát triển Xín Mần. Công ty cổ phần này không chỉ đơn thuần hoạt động kinh doanh, nó còn có vai trò như một “bà đỡ” hỗ trợ nông dân về tín dụng ưu đãi, tiến bộ KHKT, giúp phát triển thành sản phẩm hàng hóa những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế và tiến hành bao tiêu sản phẩm cho người nông dân... Và như vậy những đồng vốn, cách làm của doanh nghiệp, doanh nhân đó sẽ có sức lan tỏa đến mọi người, từng bước trang bị cho người dân cách nghĩ, cách làm mới để họ tự vươn lên trong cuộc sống. Việc thành lập các công ty cổ phần phát triển địa phương là gắn kết tốt mối quan hệ “4 nhà”, đồng thời thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội.
Trong nhiệm kỳ này, tỉnh sẽ tập trung thanh toán các khoản nợ đọng đối với doanh nghiệp, cải tạo môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính thực sự thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Đáp lại nỗ lực mang tính định hướng và giàu chất nhân văn, các doanh nhân ngoài việc làm giàu cho mình cần tích cực đóng góp vào công tác xã hội để mọi người cùng được hưởng thành quả của sự phát triển... Đó là thông điệp đầu năm các nhà lãnh đạo tỉnh chuyển đến các doanh nghiệp, doanh nhân.
Ý kiến bạn đọc