Chống rét, cần sự vào cuộc đồng bộ và ý thức tự bảo vệ của người dân
HGĐT- Do giá rét kéo dài thời gian qua, ở khu vực vùng núi phía Bắc, tỉnh ta là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất do giá rét với trên 1 ngàn gia súc chết do rét và bệnh dịch. Cùng với đó, tại một số địa bàn cây trồng vụ Đông – xuân 2011 cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thời tiết bất thường đã trở thành một tác nhân bất khả kháng dẫn đến không ít địa phương, hộ gia đình phải nhận những thiệt hại lớn.
Rút kinh nghiệm đợt rét đậm năm 2008, nhiều nơi trong tỉnh đã quyết liệt triển khai tốt các biện pháp phòng, chống rét và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tránh tối đa những thiệt hại do thời tiết gây ra. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng chủ quan và chưa thực sự lường thấy hết những tác hại do giá rét, chưa thực hiện tốt việc phòng bị, chống rét cho gia súc theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng, tiến hành gieo, cấy lúa ngay cả trong điều kiện thời tiết giá rét…và đã phải nhận những thiệt hại đáng tiếc. Để xảy ra những hiện tượng trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương khi chưa sâu sát tình hình thực tế, thiếu sự tuyên truyền, vận động người dân. Cùng với đó, tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước vẫn còn trong tư duy của một bộ phận người dân. Nhưng có nơi, sự hỗ trợ của địa phương giúp người dân phòng, chống rét lại chưa lựa chọn được những đối tượng cần giúp, dẫn đến có những hộ không phải là hộ khó khăn cũng được hỗ trợ…
Dự báo rét sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới và khó lường, vì thế thiệt hại sẽ ngày càng lớn nếu chúng ta không quyết liệt với các biện pháp phòng, chống rét. Muốn chống rét trong năm 2011 và cả những mùa đông của các năm tiếp theo, trước tiên cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể cùng góp sức với ngành nông nghiệp trong vận động, tuyên truyền cho người dân, tránh để tình trạng coi việc phòng, chống rét cho gia súc và mùa màng là của ngành nông nghiệp. Để hình thành ý thức tự giác chống rét, bảo vệ tài sản nông nghiệp cho nhân dân, các ngành, các cấp cần rà soát kỹ các đối tượng thực sự cần hỗ trợ, tránh để xảy ra việc nhà nào có trâu bò cũng được hỗ trợ, kể cả là nhà khá giả. Rút kinh nghiệm đợt rét 2008, chính quyền cơ sở cần thống kê khách quan việc gia súc, hoa màu bị thiệt hại là do bất khả kháng hay do chủ quan, lơ là để nếu khi có sự hỗ trợ của Nhà nước thì chỉ giành cho những hộ bị thiệt hại do bất khả kháng. Từ đó, sẽ từng bước hình thành tư duy và ý thức tự giác cho người dân, biết tự bảo vệ tài sản của chính mình.
Ý kiến bạn đọc