Vững niềm tin ở tương lai

17:48, 20/12/2010

HGĐT- Kết thúc năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt gần 14%; số thu ngân sách đạt 758 tỷ đồng, vượt 258 tỷ đồng so với kế hoạch; thu nhập bình quân đạt 7,5 triêu đồng/người/năm; có 7,6 nghìn hộ thoát nghèo, đưa tỷ lê hộ nghèo giảm xuống còn 15,8%. Đây thực sự là con số ấn tượng, nó đã tạo niềm tin và mở ra tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong năm tới.


 
 Từ sự chung sức, đồng lòng của dân với Đảng, nhiều tuyến đường “Đại đoàn kết” được mở, tạo điều kện thúc đẩy KT-XH phát trển.
Trong ảnh: Người dân xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) mở đường “Đại đoàn kết”.

MỘT NĂM ĐẦY GIAN NAN

Những ngày tháng cuối cùng của năm 2010 đang dần qua trong bộn bề công việc của “năm cùng tháng tận”, trên khắp các vùng, miền của tỉnh, nhân dân các dân tộc đang đang hối hả trong không khí chạy đua với thời gian. Khi chiếc “bánh xe thời gian” đang lao dần đến mốc cuối trên chặng đường 365 ngày, trong cái bộn bề, hối hả của cuộc sống hàng ngày, dành chút thời gian nhìn lại quãng đường chúng ta đã đi, những việc đã làm thật là phi thường. Từ sự chung sức, đồng lòng của mấy chục vạn người dân với Đảng, những khó khăn đang lùi vào dĩ vãng và mở ra một tương lai với với nhiều ước vọng lớn. Người xưa vẫn thường nói “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những khó khăn, thách thức vừa qua đã cho chúng ta bài học quý về công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Đối với tỉnh ta, mặc dù định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ đang hình thành nhưng ở thời điểm hiện tại, sản xuất nông nghiệp vẫn là “mặt trận hàng đầu”, những tác động dù lớn hay nhỏ đến lĩnh vực này đều ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của mỗi gia đình.


Vậy nhưng, năm 2010, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nắng nóng, khô hạn kéo dài, mưa lũ...đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng và chất lượng hàng nông sản. Vụ Đông - xuân vừa qua, toàn tỉnh có 1.814 ha lúa, 7.719 ha ngô bị hạn; trong đó có 19 ha lúa, 1.280 ha ngô bị mất trắng, 121 ha lúa, 390 ha ngô phải gieo trồng lại, 1.647 ha lúa, 6.049 ha ngô bị giảm năng suất... Ngoài ra còn nhiều diện tích cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, mưa lũ cục bộ đã gây lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Xín Mần, Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc làm 14 người chết và bị thương; 28 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng, 162 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 1.243 nhà bị tốc mái từ 50% trở lên; nhiều công trình như điểm trường, nhà công vụ, trạm y tế...bị sập đổ và hư hỏng nặng, giá trị thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng. Thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến việc xóa nghèo trên địa bàn tỉnh thường không bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao.


Trong lĩnh vực công nghiệp, nền sản xuất bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kinh tế, sản lượng các sản phẩm công nghiệp địa phương tăng cao hơn so với năm trước, nhiều sản phẩm tăng rất cao như quặng Sắt khai thác đạt trên 36 nghìn tấn, Mangan trên 4,6 nghìn tấn, tăng 42%, Chì-Kẽm đạt gần 4,3 nghìn tấn, tăng gần 33%, điện sản xuất gần 145 triệu Kw/h, tăng 37,5%...nhưng giá trị sản xuất công nghiệp thực tế mới đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, bằng 90,4% kế hoạch đề ra. Một số nhà máy thủy điện, nhà máy tuyển, luyện quặng không thể đi vào hoạt động như dự kiến ban đầu, khiến giá trị ngành công nghiệp không được như mong muốn...


VƯỢT QUA “THÁC GHỀNH”

Mặc dù có nhiều yếu tố bất lợi, tác động trực tiếp đến chất lượng tăng trưởng, phát triển KT-XH của tỉnh nhưng những kết quả đạt được là nguồn động viên, khích lệ rất lớn, nó tạo niềm tin để chúng ta tiếp tục bước vào năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt về phòng, chống hạn; phòng, chống sạt lở, lũ quét, sâu bệnh, dịch bệnh; xây dựng cánh đồng ngô, lúa năng suất cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và đẩy mạnh thâm canh các loại cây trồng theo phương châm “lấy Mùa bù Xuân” nên diện tích, năng suất, sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu tăng khá. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 160 nghìn ha, tăng trên 7,4 nghìn ha, sản lượng lương thực cả năm ước đạt gần 34 vạn tấn, tăng trên 3 vạn tấn so với năm trước. Cùng với sản xuất nông nghiệp, các hoạt động dịch vụ có bước tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt trên 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng trên 19%; giá trị hàng hóa XNK qua các cửa khẩu ước đạt 280 triệu USD, tăng trên 52% so với cùng kỳ năm trước.


Một trong những hoạt động có sự tăng trưởng đáng mừng đó là việc thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế. Các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính tiếp tục được thực hiện tốt, từ đầu năm đến nay, có 13 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 2 nghìn tỷ đồng; 148 lượt doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Trong đó, thành lập mới 131 doanh nghiệp, 17 chi nhánh văn phòng đại diện, nâng tổng số doanh nghiệp, chi nhánh văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 1.048 đơn vị với tổng vốn điều lệ trên 8,2 nghìn tỷ đồng. Tín hiệu trên đã khẳng định môi trường đầu tư của Hà Giang đang thực sự trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương châm “doanh nghiệp phát tài-Hà Giang phát triển”... Những kết quả trên, đã góp phần đưa số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 758 tỷ đồng, vượt 258 tỷ đồng so với kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/năm; có 7,6 nghìn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,8%.


ƯỚC VỌNG Ở TƯƠNG LAI

Năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không kém phần khó khăn đó là: Kết cấu hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, có đóng góp tích cực cho nền kinh tế; các cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư được bổ sung, hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều nguồn lực ngoài ngân sách vào địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, nền kinh tế của tỉnh tuy tăng trưởng khá cao nhưng thiếu tính bền vững, tăng trưởng từ nội lực gắn với phát huy và khai thác các tiềm năng, thế mạnh tại chỗ còn hạn chế; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.


Để thực hiện tốt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và từng ngành, từng sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển...tỉnh ta đề ra các giải pháp: Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt đẩy mạnh thâm canh các loại cây trồng, có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong lĩnh vực công nghiệp sẽ hoàn thành quy hoạch điện lực giai đoạn 2010-2015, có xét đến 2020; lập quy hoạch chi tiết mạng lưới kinh doanh khí hóa lỏng, chế biến nông-lâm sản, thủ công nghiệp, phát triển làng nghề; rà soát, bổ sung quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có đầu tư chiều sâu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp và tiến độ thực hiện các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, phát triển làng nghề với những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Triển khai lập quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở tất cả các ngành, lĩnh vực và các địa phương, làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư, đảm bảo vốn đầu tư được bố trí có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và theo đúng quy hoạch được duyệt...


Thực hiện tốt các giải pháp trên, chúng ta có quyền hy vọng trong năm 2011, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với mức 14,3%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 800 tỷ đồng, sản lượng lương thực có hạt đạt 36 vạn tấn, thu nhập bình quân đạt 8,4 triệu đồng/người.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Một số kết quả phát triển cây cao su ở Vị Xuyên
HGĐT- Có thể nói, mặc dù đã đạt được thành công từ vườn cao su thực nghiệm tại xã Trung Thành, nhưng hành trình để cây cao su bén rễ trên vùng đất mới Vị Xuyên cũng vô cùng vất vả. Nhiều lần lặn lội về những vùng đất quy hoạch trồng cây cao su của huyện, được chứng kiến những lưng áo đẫm mồ hôi của các cán bộ, công nhân viên của Công ty cao su, của cán bộ huyện Vị Xuyên tham
20/12/2010
Thị trường lịch năm 2011 giá không tăng, mẫu mã đẹp
HGĐT- Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến tết dương lịch. Mùa lịch năm 2011 đã bắt đầu sôi động khi màu đỏ của các bloc lịch nổi bật tại các cửa hàng văn phòng phẩm và nhà sách trên địa bàn thành phố. Nhìn chung thị trường lịch năm 2011 có nhiều ưu điểm nổi bật so với năm trước, đó là phong phú về chủng loại, giá không tăng, nhiều mẫu mã mang đậm tâm hồn Việt.
20/12/2010
Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh chè Hà Giang
HGĐT- Ngày 16.12, Sở NN-PTNT phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh chè Hà Giang.
17/12/2010
“Đòn bẩy” cho quá trình XDNTM
HGĐT- Hiện nay, nhu cầu lao động có trình độ, năng lực nhằm phục vụ cho công tác xây dựng và phát triển nông thôn tại tỉnh ta đang là vấn đề cấp thiết.
17/12/2010