Sản xuất nông nghiệp Một năm gặt hái thành công

08:28, 31/12/2010

HGĐT- Những ngày cuối năm, khi tìm hiểu công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 65 ngày thành lập ngành NN-PTNT, có dịp đàm đạo cùng Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Bào, anh hồ hởi bắt tay tôi và hỏi: “- Theo nhà báo, nếu nhận xét năm 2010 là năm đầy thử thách trong sự phát triển của ngành, nhưng cũng là năm ngành nông, lâm nghiệp gặt hái những thành công, có được không?” - Tôi trả lời nước đôi: “Với những thông tin của em có được, thì nhận xét trên cơ bản là được. Còn muốn được thật sự thì phải nghe anh chứng minh có sức thuyết phục không đã”.


Anh sôi nổi: - Chứ không à, này nhé những tháng đầu năm 2010, bà con nông dân trong tỉnh sản xuất trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng hạn hán gay gắt và nắng nóng diễn ra trên diện rộng. Từ đầu năm đến hết tháng 4, trên địa bàn toàn tỉnh hầu như không có mưa, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở 4 huyện vùng cao phía Bắc, thiếu nước sản xuất ở các huyện vùng thấp và phía Tây. Một số diện tích ruộng không có nước để cấy, một số diện tích cây trồng bị hạn nặng không thể khắc phục phải gieo trồng lại. Bước vào đầu mùa mưa, lại liên tiếp xảy ra tình trạng mưa lớn, gió lốc cục bộ đã gây lũ quét và sạt lở đất tại một số huyện trong tỉnh làm chết và mất tích 7 người, bị thương 7 người cũng như thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước cũng như của nhân dân. Theo số liệu thống kê, mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của các cấp, ngành trong công tác chống hạn, các huyện vùng thấp chủ động mua hàng trăm máy bơm nước, huy động toàn bộ cán bộ phòng ban chức năng bám đồng, ruộng cả ngày lẫn đêm, kiên quyết không để một cánh đồng lúa, ngô nào có khả năng bơm nước chống hạn mà không cứu. Tuy nhiên, các chân ruộng cao, cũng như tại các huyện vùng cao tình trạng hạn hán bất khả kháng, đã khiến cho 19 ha lúa và 1.280 ha ngô bị mất trắng; 121 ha lúa 390 ha ngô phải gieo cấy lại; 1.674 ha lúa, 6.049 ha ngô bị hạn chế năng suất; đặc biệt toàn tỉnh có 1.043 ha diện tích lúa tương đương với 5.615 tấn lúa; 4.782 ha ngô tương đương với 6.499 tấn ngô do quá thời vụ không gieo trồng được. Từ các nguyên nhân trên dẫn đến tổng sản lượng lương thực của tỉnh vụ Đông - xuân bị thiếu hụt trên 14.000 tấn.


Một bài toán đặt ra cho ngành là phải làm gì để đảm bảo tổng sản lượng lương thực cả năm. Trong điều kiện thực tiễn của tỉnh là diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế “đá nhiều hơn đất”, ngay trong giai đoạn chăm sóc lúa vụ Đông - Xuân các cấp, ngành chức năng và bà con nông dân trong tỉnh đã chủ động vào cuộc, một mặt tập trung thâm canh mạnh cánh đồng mẫu của vụ mùa năm 2009, một mặt làm tốt các khâu chuẩn bị vật tư nông, lâm nghiệp và làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân đầu tư chuyển đổi cơ bản các diện tích gieo trồng vụ mùa bằng các loại giống ngô lai và lúa lai, với sự hỗ trợ về giá giống cho các hộ dân triển khai thực hiện tùy theo điều kiện cụ thể của các huyện, thành phố, quyết tâm thực hiện thành công một vụ Mùa thắng lợi, nhằm đạt được mục tiêu lấy Mùa bù Xuân. Trước giai đoạn này, Ban lãnh đạo Sở NN vàPTNT tỉnh cũng đã có nhiều cuộc thảo luận, hội ý sôi nổi xoay quanh chủ đề làm thế nào để tăng nhanh năng suất, sản lượng cây trồng, đặc biệt là cây lương thực trên địa bàn tỉnh, qua đó có một kết luận khá quan trọng có tính chất định hướng cho sự phát triển của ngành trong cả một giai đoạn. Theo kết quả số liệu khảo sát đánh giá của ngành, do khó khăn về kinh tế và trình độ canh tác của bà con nông dân trên địa tỉnh ta hiện nay, mức độ thâm canh trong sản xuất của bà con chỉ đáp ứng đạt khoảng 30% quy trình, nếu có sự tác động về kỹ thuật và sự hỗ trợ đầu tư vật tư nông nghiệp đáp ứng 100% quy trình thâm canh thì năng suất cây lương thực của tỉnh sẽ tăng lên rất nhiều. Ngay trong quá trình gieo trồng của bà con các huyện vùng cao, mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp hết sức hạn chế, bà con phải dùng gùi địu đất đổ vào hốc đá mới có diện tích gieo trồng, nhưng lại không chú ý tới mật độ gieo trồng hợp lý (5 - 6 cây/hốc), trong thực tế chỉ có khoảng 2 cây trong hốc cho bắp. Quá trình chỉ đạo sản xuất tại cơ sở, nhiều đồng chí lãnh đạo UBND các huyện vùng cao đã phải trực tiếp dẫn đội ngũ cán bộ kỹ thuậtra nương ngô tỉa bớt số lượng cây ngô trong hốc. Nhưngdo khoảng cánh giữa các hốc ngô quá xa, các hàng cách hàng quá xa nên bình quân mật độ gieo trồng trên diện tích 1 ha ngô của bà con nông dân trong tỉnh hiện nay chỉ đạt khoảng 3,5 vạn cây. Nếu gieo trồng đúng quy trình thì có thể nâng mật độ cây lên đến con số 5 vạn cây/ha, tăng 1,5 vạn cây so với trước. Nếu là giống ngô lai cho mỗi cây một bắp, tương đương với 1 lạng/bắp thì năng suất ngô của tỉnh sẽ tăng thêm 15 tạ/ha.


Có thể khẳng định, qua khảo sát thực tế quá trình sản xuất của bà con nông dân trong tỉnh, thì hiệu quả kinh tế trong đầu tư thâm canh chưa cao... trong đó phần nhiều là do áp dụng các biện pháp thâm canh chưa khoa học như: Bón phân không cân đối (thường bón nhiều đạm), bón lai rai không tập trung, tập quán cấy quá dày (4-5 dảnh/khóm), gây tốn giống và hạn chế khả năng đẻ nhánh của lúa, nhất là đối với giống lúa lai; khâu canh tác thiếu khoa học, đã tạo điều kiện cho sâu bệnh bùng phát, gây hại, dẫn đến làm tăng chi phí trong phòng trừ sâu bệnh, đảo lộn hệ sinh thái nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường và là hệ lụy cho dịch sâu bệnh gây hại của những năm sau; nhận thức của người nông dân về sâu bệnh hại trên lúa còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả phòng trừ chưa cao, gây tốn kém về kinh tế... Qua đó, ngay trong vụ sản xuất vụ Mùa ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp cơ sở, tiếp tục triển khai thực hiện tốt mô hình cánh đồng thâm canh theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, cùng với việc triển khai làm tốt các chính sách hỗ trợ, nên diện tích thâm canh lúa cả năm của tỉnh đạt tới 92%; diện tích ngô thâm canh của tỉnh đạt 84%. Theo đánh giá kết quả của Sở, nếu nhân rộng được mô hình “3 giảm, 3 tăng” trên địa bàn toàn tỉnh thì mỗi vụ gieo cấy bà con nông dân trong tỉnh sẽ có lãi hàng trăm tỷ đồng.Tuy nhiên, đây là mô hình làm thay đổi đáng kể tập quán canh tác lâu đời của người dân, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành đặc biệt là của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh cho đến thôn bản thì khó có thể triển khai thực hiện nhân rộng được. Chính vì vậy, trong năm Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và triển khai kiện toàn lại toàn hệ thống cán bộ khuyến nông tại cơ sở, trên cơ sở rà soát, củng cố, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ này. Lấy đội ngũ cán bộ khuyến nông thôn bản làm nòng cốt trong quá trình triển khai thực hiện mô hình “3 giảm, 3 tăng”...Và kết quả của vụ sản xuất năm 2010 của tỉnh bà con nông dân đã gieo trồng được 184.626,8 ha cây trồng các loại, trong đó tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm là 35.477,2 ha, diện tích gieo trồng ngô cả năm của tỉnh đạt 49.751 ha, năng suất của cả hai loại cây trồng này đều tăng so với năm trước gần 3,5 tấn/ha, nâng tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt 34,2 vạn tấn, tăng 3,4 vạn tấn so với năm trước...


Sau một ấm trà nóng, qua những dẫn chứng chứng minh của Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nguyễn Văn Bào, tôi chủ động bắt tay và chúc mừng những thành công của ngành đã gặt hái được trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn như đã nêu trong bài.


ĐỨC DŨNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cây cao su và những tín hiệu vui
HGĐT- Giống như nhiều loại cây trồng mới khác, việc cây cao su bén rễ trên vùng đất mới Hà Giang cũng gặp không ít những khó khăn, bởi để thay đổi tư duy, nhận thức về cái mới bao giờ cũng là cả một quá trình… Thế nhưng, qua một năm 2009 đầy vất vả, năm 2010 đã đem đến những tín hiệu lạc quan về sự phát triển của cây cao su.
31/12/2010
Xuất khẩu hàng nông thổ sản, cần xây dựng vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá
Trong những năm vừa qua, tỉnh ta đã quan tâm đến hoạt động xuất khẩu hàng nông thổ sản. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế so với tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiêp của tỉnh nhà. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hạn chế và hướng đi nào cho lĩnh vực này? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đình Bẩy, Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.
31/12/2010
Hoạt động ngân hàng vững vàng trong gian khó
HGĐT- Năm 2010 là một năm không mấy thuận lợi đối với hoạt động ngân hàng cả nước nói chung và hệ thống ngân hàng tỉnh ta nói riêng. Khó khăn đến từ tình hình suy giảmkinh tế, giá cả các mặt hàng hóa, dịch vụ biến động, giá đô-la, vàng và bất động sản tăng mạnh. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, sự tăng vọt đột ngột về lãi suất huy động vốn vay của một số ngân hàng thương
27/12/2010
Ngành nông nghiệp Hà Giang 65 năm trưởng thành và phát triển
HGĐT- Cách đây 65 năm, khi nước nhà giành được độc lập, ngày 14.11.1945 tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng, muốn giải quyết vấn đề canh nông về phương diện xã hội cũng như về phương diện chuyên môn, cần có một cơ quan tối cao về vấn đề này và ngay
27/12/2010