Mô hình trồng “ Lá đắng” ở Nà Khương hỗ trợ thoát nghèo
HGĐT- Một buổi chợ phiên trong trung tâm xã Nà Khương (Quang Bình) tôi nhận thấy rất nhiều người tìm mua lá đắng. Lá đắng hay còn gọi tên dân gian là lá “ Cơm kìa” là loại lá thuốc “mát gan, lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu mỡ thừa” v.v... rất tốt cho sức khỏe, nhất là người lao động nặng nhọc và người thường xuyên sử dụng bia, rượu.
Khảo sát thực tế tại Quang Bình, đồng bào nhiều xã có trồng, sử dụng lá đắng trong các bữa ăn thường ngày và thường được nấu ăn, chế biến rất phổ thông, tiện lợi, dễ sử dụng. Thường thì lá đắng được sử dụng tươi hoặc khô đều rất dễ chế biến. Thông thường được nấu làm canh với cá, thịt, xương... Canh lá đắng có vị đắng ngọt có tác dụng kích thích dịch vị cho ta ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra canh lá đắng còn có tác dụng hỗ trợ gan, mật, giải rượu bia, thông tiểu tiện rất tốt trong cuộc sống thường ngày. Theo giá bán mà bà con mang ra các chợ dao động từ 60 – 80 ngàn đồng/kg lá khô, hoặc lá tươi thường được bán theo mớ, theo món. Quan trọng hơn là thị trường mua bán lá đắng hiện nay rất rộng, gần như chưa thấy lá đắng đồng bào mang ra chợ “bị ế”... bao giờ. Đi đúng thị hiếu tiêu dùng trên BQL dự án DPPR huyện Quang Bình đã khảo sát và đầu tư hỗ trợ cho 10 hộ thuộc thôn Thâm Mang, xã Nà Khương trồng lá đắng theo phương pháp trồng tập trung có thâm canh. Trong số 10 hộ tham gia dự án thì có 6 hộ nghèo dân tộc. Dự án hỗ trợ trồng 1 ha lá đắng từ tháng 9/2007. Mới đây nhất về khảo sát đánh giá hiệu quả trong quá trình đầu tư chúng tôi mới rõ: Cả 10 hộ tham gia trong đó 6 hộ nghèo đều đã khấm khá lên nhờ sự hỗ trợ ban đầu của Dự án DPPR từ gần 3 năm trước đó. Các vườn rừng khoanh nuôi để trồng lá đắng hiện nay mỗi năm cho các hộ thu hoạch không dưới 10 triệu đồng/hộ. Theo tính toán của đồng bào thì hơn 10 triệu đồng thu từ bán lá đắng gần bằng 1 ha lúa lời lãi trong 1 năm 2 vụ. Trồng lá đắng thì chỉ mất 1 lần đầu tư, chăm sóc tốt, thu hái đảm bảo kỹ thuật sẽ cho thu hoạch lâu dài và rất ít công chăm sóc, đầu tư trở lại. Cũng đồng bào cho biết, giá bán bình quân từ 60 – 80 ngàn đồng/kg lá đắng khô rất dễ bán và không bao giờ bị ế hàng. Và phần đa đồng bào thu hoạch được khách hàng đặt trước và đến nhà thu mua. Lá đắng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa và giữ được gốc qua các mùa Đông rét, Xuân sang cây lá phát triển nhanh và gần như cho thu hoạch quanh năm. Các hộ trồng lá đắng cũng thu hái gần như 4 mùa có tiền sinh hoạt, nuôi con ăn học.
Tham khảo các anh lãnh đạo xã Nà Khương được biết, trong huyện Quang Bình hiện nay lá đắng được trồng, thu hái nhiều nhất ở Nà Khương, sau là Xuân Giang, Bằng Lang. Lý do được biết lá đắng cung cấp cho thị trường hiện nay chủ yếu trên địa bàn huyện Quang Bình có nguồn gốc từ Nà Khương chính là sự nhân rộng nguồn lợi từ 10 hộ trồng lá đắng ở thôn Thâm Mang của 3 năm trở về trước. Hy vọng, hiệu quả kinh tế từ mô hình trên sẽ được đúc rút, nhân rộng ra các vùng có điều kiện thổ nhưỡng tương tự như ở thôn Thâm Mang, xã Nà Khương để giúp cho kinh tế các hộ phát triển ổn định, bền vững.
Ý kiến bạn đọc