Hiệu quả trồng ngô vụ 3 ở Bắc Quang
HGĐT- Khác với mọi năm, khi gặt xong lúa vụ Mùa thì chị Bùi Thị Thơ ở xóm 2, thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang) lại tập hợp chồng con đến đồi cọ của các nhà anh em họ hàng, mỗi ngày chặt chục buồng quả cọ về ỏm đóng túi mang ra ngoài thị trấn huyện lỵ bán rong, kiếm thêm chút ít tiền mặt để trang trải công việc gia đình và lo tiền nuôi con ăn học.
Giống ngô lai tẻ B2, trồng khảo nghiệm ở xã Quang Minh (Bắc Quang) sinh trưởng tốt. |
Chịu khó nhặt nhạnh, bình quân mỗi ngày chị cũng bán được khoảng 100 túi quả cọ ỏm và có thu nhập trên dưới 200.000 đồng và đây là phương pháp kiếm tiền hiệu quả nhất của gia đình chị. Nhưng “người đông, của khó” nên việc thu hái các sản phẩm từ rừng ngày càng hạn chế, không phải lúc nào cũng sẵn có để các thành viên trong gia đình chị cùng bà con trong xón thu hái và đem bán.
Ngay trong thời điểm sản xuất lúa vụ Mùa, cùng với các gia đình khác trong thôn được tham dự buổi tập huấn của cán bộ khuyến nông huyện và xã tổ chức, nhằm triển khai công tác chuẩn bị sản xuất vụ Đông (vụ 3), nghe chị cán bộ khuyến nông phân tích những vấn đề liên quan đến vụ sản xuất, chị Thơ thấy mình vỡ lẽ ra được nhiều vấn đề. Nhà chị có 1.500 m2 ruộng, nếu điều kiện thuận lợi một năm cấy được 2 vụ lúa lai, cho thu hoạch cao tổng thể cả năm gia đình chị cũng chỉ đạt gần 2 tấn lúa, chia bình quân lương thực cho 5 khẩu trong gia đình chỉ đạt 400 kg/người/năm. Nhà chỉ có hai vợ chồng là lao động chính, hai con còn nhỏ bận học hành và một mẹ già trái gió trở trời là bị ốm cần thuốc thang chữa trị. Mặc dù chị đã năng động cùng chồng kiếm tìm đủ cách kiếm tiền, nhưng tiền kiếm được cũng chỉ đáp ứng chi tiêu hàng ngày của gia đình một cách hạn chế, cơ bản gia đình không có tích lũy. Chính vì vậy, khi nghe cán bộ khuyến nông huyện kết luận, muốn có thêm thu nhập thì các gia đình cần phải quan tâm đầu tư cho sản xuất vụ Đông, mọi người ai cũng chú ý lắng nghe. Trong đó, với điều kiện đồng đất xã nhà, cán bộ khuyến nông vận động mọi người nên đầu tư trồng ngô vụ Đông, đặc biệt là các giống ngô nếp MX4 và MX2 mang lại hiệu quả cao.
Để khuyến khích các hộ nông dân trong huyện chú trọng đầu tư cho sản xuất vụ 3, huyện Bắc Quang cũng đã có chính sách hỗ trợ bà con nông dân 315 nghìn tiền giống/1ha ngô trồng trên đất hai vụ lúa. Có sự tư vấn của đội ngũ cán bộ khuyến nông từ huyện đến thôn về kỹ thuật gieo trồng, cùng với tư duy trồng ngô nếp bán bắp luộc. Ngay sau khi lúa vụ Mùa trên ruộng chín đỏ đuôi 2/3 bông, chị Thơ đã chủ động tháo cạn nước trên ruộng, đồng thời tiến hành làm bầu gieo hạt vào bầu trước khi gặt lúa 5 ngày. Ngay sau khi thu hoạch lúa xong, gia đình chị tiến hành làm đất và trồng ngô bầu theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Chị cũng hết sức ngạc nhiên và tuyệt đối tuân thủ quy trình kỹ thuật gieo trồng khi nghe chị Nguyễn Thị Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông huyện khuyến cáo: Nếu trồng đúng kỹ thuật và đảm bảo mật độ gieo trồng, khác với cách gieo trồng theo lối quảng canh cứ trên 1 ha diện tích bà con sẽ trồng thêm được ít nhất 1.500 cây ngô. Giật mình tính toán, nếu trồng ngô nếp bán với giá bán cất 1.500 đồng/bắp, trồng không đúng kỹ thuật người nông dân sẽ thiệt hại trên 2 triệu đồng/ha. Nhờ gieo trồng và chăm sóc đúng quy trình, nên diện tích 1.500 m2 ngô nếp của gia đình chị phát triển tốt và không bị sâu bệnh, bắp nào cũng như bắp nào nhiều cây còn có tới 2 bắp, và chỉ sau 60 đến 65 ngày trồng đã cho thu hái và bán bắp. Quá quen với việc bán quả cọ ỏm dạo ngoài thị trấn, nên chị Thơ không bán hết diện tích ngô cho khách đến mua tại vườn với giá 1.500 đồng/bắp, mà để lại gần nửa diện tích ngô luộc và đem bán lẻ ngoài thị trấn. Ngô của chị hái từ ruộng về luộc ngay, nên khách ăn ai cũng khen thơm ngon và dẻo, một sọt ngô luộc 300 bắp ủ trong túi ni lông, chị đứng bán dần ở cổng trường học trong vòng hơn một tiếng buổi chiều đã hết veo, và trong tay cũng đã có gần 800.000 đồng. Tính tổng thu nhập trên 1.500 m2đất trồng ngô nếp vụ Đông, gia đình chị Thơ đã có thu nhập trên 5 triệu đồng từ việc bán cất ngô tại ruộng và gần 9 triệu đồng từ việc bán ngô luộc. Tổng thu nhập từ việc trồng và bán ngô nếp luộc đã đem lại cho gia đình chị trên 12 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí, so sánh với nhà chị Xuyên hàng xóm vụ Đông này cũng trồng ngô Đông nhưng lại là giống Lai NK66 (ngô tẻ) sau gần 100 ngày mới cho thu hoạch, mặc dù được đánh giá là năng suất cao tới 7 tấn/ha, cho thu nhập theo giá hiện tại là 42 triệu đồng thì vẫn kém xa so với cách trồng ngô nếp bán bắp.
Có thu nhập từ việc trồng ngô vụ Đông, cải thiện cơ bản cuộc sống gia đình, mấy chị em trong xóm tụ tập nhau tâm sự, ai cũng nói, nhờ có thêm mùa vụ ngô Đông mà cuộc sống của nhiều nhà trong thôn ổn định hơn rất nhiều. Chị Xuân là người có uy tín trong giới chị em của thôn đã nhận xét khá tổng quát: Tham gia trồng cây vụ 3 năm nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện Bắc Quang được lợi đủ đường, tiền giống và công kỹ thuật thì được huyện và cán bộ khuyến nông hỗ trợ; thời tiết thuận lợi, lại không có sâu hại nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cây trồng cao mà giá bán lại được giá, nên sản xuất vụ 3 đã tạo thu nhập đáng kể, làm thay đổi đời sống người dân trong thôn nói riêng và trong huyện nói chung. Điều quan trọng nữa đáng nêu là, trồng cây vụ Đông còn cải tạo đất ruộng vì khi đưa giống cây trồng vụ 3 như cây rau, cây ngô vụ Đông sẽ cải tạo được đất tốt hơn, giúp cho vụ mùa sau đạt hiệu quả cao hơn. Cuối cùng, không ai bảo ai nhưng cả mấy chị ai nấy đều tự nhủ, trồng ngô vụ Đông hiệu quả kinh tế cao, chẳng có lý do gì mà vụ sản xuất năm sau gia đình mình lại không tận dụng hết diện tích đất để gieo trồng.
Ý kiến bạn đọc