Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp
HGĐT- Những năm gần đây, tỉnh ta đã đề ra nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp. Điều này đã góp phần đưa sản lượng lương thực của tỉnh năm 2010 đạt gần 34 vạn tấn, bình quân lương thực đạt 460 kg/người/năm. Tuy nhiên, nền nông nghiệp chưa phát triển bền vững, giá trị đạt được chưa tương xứng với tiềm năng... Vì vậy, cần có giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong giai đoạn mới.
Việc đưa cây cao su vào trồng trên địa bàn tỉnh đã khẳng định hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. |
Với điều kiện đặc thù của một tỉnh miền núi, Hà Giang được chia làm 3 vùng tự nhiên, kinh tế khác nhau, trên cơ sở đó, tỉnh đã có định hướng phát triển kinh tế mang tính đặc trưng, đặc biệt trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Đã có nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án thúc đẩy sản xuất được triển khai như hỗ trợ giống cây trồng, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, chuyển đổi một vạn ha đất xấu sang trồng cỏ, chính sách phát triển cây đậu tương, chè, trồng 1 vạn ha cao su; cải tiến, nâng cao chất lượng trâu, bò thịt, bảo tồn và phát triển bò vùng cao, nuôi trồng thủy sản; đầu tư, hỗ trợ gạo bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao phía Bắc, trồng rừng kinh tế...đã thổi “luồng sinh khí mới” trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngành Nông nghiệp đã tham mưu, xây dựng nhiều quy hoạch tổng thể trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh... Từ năm 1996 đến nay, ngành đã xây dựng định hướng phát triển sản xuất theo hướng tập trung thành vùng hàng hóa.
Với các cơ chế, chính sách đó, nền nông nghiệp của tỉnh đã phát triển ổn định, liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa ngày càng rõ nét, đã góp phần ổn định đời sống nhân dân, đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng CNH-HĐH. Đến nay, sản lượng lương thực của tỉnh đạt gần 34 vạn tấn, bình quân lương thực đạt 460 kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Các thành phần kinh tế được khuyến khích theo hướng liên doanh, liên kết nhằm khơi dậy tiềm năng một số ngành nghề như dệt lanh thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu, rèn, đúc...đã góp phần mở mới, tạo đà phát triển thủ công nghiệp trong nông thôn, đồng thời thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Hoạt động sản xuất, dịch vụ nông nghiệp từng bước tiếp cận với khoa học công nghệ mới...
Với những tiềm năng và cơ chế đi kèm, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, vùng chè, đậu tương, lạc, vùng rau an toàn, hoa chất lượng cao được hình thành, chăn nuôi đang phát triển theo xu thế hàng hóa. Tuy nhiên, trình độ canh tác của người dân còn nhiều hạn chế, năng suất cây trồng chưa cao, một số cây trồng thế mạnh chưa phát huy được tiềm năng, công tác chỉ đạo của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân còn rất lớn, một số vướng mắc trong quá trình chuyển đổi đất trồng cao su, chỉ đạo thâm canh cánh đồng mẫu ở một số địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, luân canh tăng vụ còn ít; công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân còn hạn chế, chưa thực sự phát huy được hiệu quả, nhiều mô hình thâm canh đạt năng suất cao nhưng chưa được phổ biến, nhân rộng. Công tác quản lý, kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương chưa thường xuyên dẫn tới thất, thoát nguồn nước; việc đầu tư theo quy hoạch chưa được đề cập, các sản phẩm nông nghiệp vẫn mang tính thô, tiêu thụ nhỏ, lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chưa gắn kết được “4 nhà”; hệ thống cơ sở hạ tầng, các nhà máy chế biến chuyên sâu trong nông, lâm nghiệp còn rất hạn chế.
Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2015, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 40 vạn tấn, hệ số sử dụng đất 2 lần, giá trị sản phẩm đạt trên 30 triệu đồng/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 9 vạn tấn/năm, đậu tương 40 vạn tấn, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn vững chắc với cơ cấu hợp lý. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, năng suất và hiệu quả gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ.
Trên cơ sở đó, có nhiều giải pháp được đề cập như: Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, gắn chặt quá trình sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường thâm canh lúa, ngô, tăng hệ số sử dụng đất; giải quyết cơ bản chất đốt cho người dân 4 huyện vùng cao phía Bắc, phục hồi, tái tạo rừng, phủ xanh núi đá, trồng rừng cảnh quan công viên địa chất; xây dựng các chính sách phát triển nông thôn nhằm thực hiện chương trình, mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới gắn với quy tụ dân cư; phát triển sản xuất trên cơ sở cơ cấu lại đầu tư; hình thành Trung tâm dự báo giá, thông tin diễn biến giá thị trường, xúc tiến thương mại; xây dựng chính sách thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp...
Ý kiến bạn đọc