Cây cao su và những tín hiệu vui
HGĐT- Giống như nhiều loại cây trồng mới khác, việc cây cao su bén rễ trên vùng đất mới Hà Giang cũng gặp không ít những khó khăn, bởi để thay đổi tư duy, nhận thức về cái mới bao giờ cũng là cả một quá trình… Thế nhưng, qua một năm 2009 đầy vất vả, năm 2010 đã đem đến những tín hiệu lạc quan về sự phát triển của cây cao su.
Cây cao su trồng năm 2010 tại xã Trung Thành - Vị Xuyên. |
Theo thống kê diện tích trồng mới trong năm đạt 1.094,28ha, nâng tổng số diện tích đã trồng cây cao su trên các địa bàn lên trên 1.300ha. Ngoài diện tích đã trồng trên, Công ty CPCSHG đã khai hoang, đào hố và bón phân được khoảng trên 800ha chuẩn bị cho vụ trồng mới vào tháng 3.2011.
Có thể thấy, trước những khó khăn tồn tại qua năm 2009, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung nỗ lực triển khai trong năm 2010. Nhiều địa phương như Quang Bình, Vị Xuyên đã cho thấy những nỗ lực không nhỏ vào cuộc với cây cao su. Không ít lần về cơ sở, chúng tôi được chứng kiến lãnh đạo các địa phương từ huyện đến xã xắn quần lên với những vùng trồng cây cao su đầy bùn đất, chỉ đạo việc vận động nhân dân góp đất, tìm biện pháp hỗ trợ người dân trong việc giải phóng lâm sản, hoa màu để giao đất cho Công ty cao su. Nhờ những nỗ lực đó, phía Công ty cao su Hà Giang đã nhận được khoảng trên 2.354ha đất, trong đó vùng cao su huyện Quang Bình bàn giao diện tích đất nhiều nhất với trên 1.200ha, tiếp đến là Vị Xuyên và Bắc Quang…
Vượt qua khó khăn về thời tiết, địa hình, đặc biệt là việc nỗ lực phối hợp với các ngành, các cấp trong tuyên truyền, vận động nhân dân, tỉnh đã huy động lực lượng thanh niên tham gia phối hợp khai hoang đất trồng cao su… Từ đó, giúp cho Công ty CPCSHG khai hoang được trên 1.820ha đất. Nếu những yếu tố thời tiết ủng hộ, đồng thời việc giao đất của các địa phương sớm hơn thì có thể diện tích trồng cây cao su của năm 2010 sẽ vượt mức kế hoạch giao. Tuy nhiên, với những kế hoạch và sự sắp xếp cụ thể, khoa học, chắc chắn sẽ tạo ra những kết quả khả quan trong thời gian tới. Hiện nay, về phía Công ty CPCSHG cho biết, đang chuẩn bị vườn ươm giống với hàng chục vạn cây giống, đảm bảo và chủ động cho vụ trồng mới.
Theo kiểm tra, đánh giá của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và của tỉnh, cùng với diện tích cao su đã trồng trong năm 2009 thì số diện tích cao su trồng mới trong năm 2010 phát triển rất tốt. Tỷ lệ sống sau khi trồng đạt 96%. Ở những diện tích cao su trồng thử nghiệm tại xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên vẫn đang cho thấy sức phát triển rất nhanh và mạnh mẽ của loại cây trồng mới này. Nhiều cán bộ, nhân dân sau khi đi tham quan mô hình trồng thử nghiệm tại các xã trên đều tỏ rõ sự ngạc nhiên vì trên địa bàn Hà Giang, chưa được chứng kiến một loại cây nào có sức sinh trưởng nhanh như cây cao su. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì nhờ sự thích nghi tốt của cây cao su với khí hậu, thổ nhưỡng nên so với các tỉnh miền núi phía Bắc thì tốc độ phát triển của cây cao su trên đất Hà Giang nhanh hơn. Cùng với việc phát triển các diện tích trồng cao su, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã linh hoạt trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ cho người dân trồng xen canh trên các diện tích trồng cây cao su. Đi đầu trong việc trồng xen canh là huyện Quang Bình. Khi chú trọng triển khai trồng xen canh thì cấp ủy, chính quyền đã xác định đây là một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy người dân giao đất cho công ty, đồng thời qua đây là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của đất, biết tận dụng tiềm năng của đất cho phát triển kinh tế, xóa nghèo. Lợi ích của người dân gắn kết với lợi ích của Công ty cao su và Nhà nước đã mang lại những hiệu quả tích cực khi Quang Bình trở thành địa bàn vận động được nhiều diện tích đất nhất cho chương trình trồng cây cao su tính đến thời điểm này. Kết quả khai hoang, trồng mới cũng dẫn đầu trong số 3 huyện.
Năm 2010 khép lại, những khẳng định quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của các địa phương và sự phát triển cụ thể của cây cao su trên các địa bàn đang cho thấy chúng ta đang có một hướng đi đúng cho một loại cây trồng mới như cây cao su. Chắc chắn các diện tích cao su đang vươn lên trên các vùng đất khó khăn sẽ góp phần tạo ra một mảnh ghép quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Ý kiến bạn đọc