Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu sản xuất nông - lâm nghiệp
(HGĐT)- Trong những năm gần đây, tỉnh ta đã rất quan tâm đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong chương trình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp trọng tâm, tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng thâm canh, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả đáng khích lệ.
Mô hình phòng, chống rét cho mạ bằng cách che phủ nilon ở xã Bạch Đích. Ảnh: Ngọc Quỳnh |
Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, đời sống của bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện đáng kể, việc đảm bảo an ninh lương thực đã góp phần làm cho tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống tới mức thấp nhất, cơ cấu mùa vụ tăng dần và đảm bảo chất lượng qua từng năm, đặc biệt là trong qúa trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã góp phần không nhỏ đưa sản lượng lương thực tăng cao, đồng thời cũng khẳng định về chất lượng đối với các loại cây lương thực có hạt được đưa vào gieo trồng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các huyện, xã, các gia đình đã tự cân đối lương thực, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng ở cơ sở, đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn được thay đổi rõ nét.
Có được kết quả đó là do các cấp, các ngành trong tỉnh đã năng động, sáng tạo, vận dụng hợp lý trong việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp như: Quy hoạch và sử dụng đất đai, vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, trợ giá giống để chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Trong những năm qua, tổng diện tích gieo trồng ở tỉnh ta luôn đạt trên 126.986 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 24 vạn tấn. Diện tích lúa khoảng 34.397 ha, trong đó diện tích thâm canh và lúa lai chiếm trên 80% với năng suất lúa bình quân đạt trên 45 tạ/ha. Diện tích cây ngô thực hiện khoảng 43.270 ha với năng suất bình quân trên 20 tạ/ha. Diện tích rau đậu các loại trên 14.674 ha. Kết quả đầu tiên và quan trọng là sản lượng lương thực liên tục tăng cao... Để có được điều đó là do Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo và đầu tư đồng bộ cả về khoa học công nghệ, cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung cho việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh lúa, ngô đi đôi với xây dựng hoàn thành các công trình thuỷ nông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tăng cường các khuyến nông ở cơ sở và đến hộ sản xuất. Bên cạnh đó còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, CNVC của ngành Nông nghiệp đã tập trung vào việc thực hiện tốt công tác khảo nghiệm, nghiên cứu ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật về giống lúa, ngô, đưa các giống có năng suất cao vào sản xuất, tăng cường các hoạt động khuyến nông thông qua xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ sản xuất, cung ứng ngày càng nhiều và kịp thời các vật tư nông nghiệp, tổ chức thực hiện xây dựng có hiệu quả và phát huy năng lực tưới tiêu các công trình thuỷ nông phục vụ mở rộng diện tích, thâm canh cây trồng. Đến nay, đã có 100% số xã có lực lượng khuyến nông cơ sở cùng các hộ sản xuất tổ chức sản xuất và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo bước đột phá cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Với chính sách mỗi xã có một cán bộ khuyến nông, một cán bộ lâm nghiệp, mỗi thôn có một khuyến nông viên được Nhà nước hỗ trợ lương cơ bản hoặc hỗ trợ một phần sinh hoạt phí đã làm cho các tiến bộ kỹ thuật và quản lý đi vào thực tế nhanh hơn, hiệu quả hơn, sát dân hơn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tạo ra các vùng sản xuất tập trung thích hợp với các loại cây, con có năng suất cao, có giá trị hàng hóa lớn, từng bước gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến nông sản và Công nghiệp địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đã có tác động lớn để phá thế độc canh, thuần nông tự cấp tự túc, tạo cơ hội làm giàu và từng bước thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp - nông thôn của tỉnh.
Phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có, tỉnh ta đã xây dựng thành công vùng chè Shan ở 4 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Cùng với phát triển diện tích, ngành Nông nghiệp đã chú trọng nghiên cứu đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc, thu hái để đạt năng suất, chất lượng ngày một tốt hơn, đưa công nghệ chế biến chè tiên tiến vào thay thế phương pháp thủ công truyền thống trước đây với hàng chục nhà máy, xưởng chế biến chè quy mô vừa và nhỏ ở hầu hết các nơi, giờ đây các cơ sở sản xuất trong tỉnh đã sản xuất ra các loại chè đen, chè xanh, chè túi lọc, chè ướp hương… hàng năm xuất khẩu trên dưới 2.000 tấn chè chế biến các loại. Đối với cây ăn quả là một thế mạnh của tỉnh, với cơ chế chính sách cấp đất, giao đất, hỗ trợ lãi suất vay vốn, đầu tư khoa học - công nghệ, khuyến nông và mở rộng thị trường nên toàn tỉnh đã có trên 10.000 ha cây ăn quả, riêng cam, quýt có gần 5.000 ha. Đàn gia súc cũng phát triển ổn định, tăng bình quân 2-5%/năm, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa tăng sản phẩm hàng hóa. Hiện nay, ở nhiều nơi chăn nuôi đã trở thành nghề chính và là nguồn thu nhập chủ yếu của một số hộ, từ chăn nuôi nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo, thu nhập của các hộ, nhất là ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh… chủ yếu là chăn nuôi chiếm trên 50% tổng thu nhập. Tuy nhiên, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm chết 17.089 con trâu bò/ tổng số 231.314 con trâu, bò toàn tỉnh; diện tích lúa bị thiệt hại là 3.368,8 ha, diện tích lúa chết chủ yếu ở trà xuân chính vụ; diện tích ngô bị thiệt hại khoảng 2.638,1 ha, các loại cây trồng khác là 1.604,2 ha. Đây là một trong những tổn thất to lớn làm ảnh hương tới tiến trình phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh. Cùng với việc phát triển nông- lâm nghiệp, những năm qua tỉnh ta cũng đã đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình thuỷ lợi và kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nông thôn và giải quyết nước sinh hoạt cho vùng cao. Tới nay đã có trên 5.000 công trình thuỷ nông các loại đảm bảo nước tưới cho khoảng trên 80% diện tích gieo cấy lúa hàng năm. Ngoài ra còn tích cực trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, góp phần nâng độ che phủ của rừng, chú trọng gắn bảo vệ rừng với định canh định cư theo hướng phát triển kinh tế rừng có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Một trong những huyện có nhiều cố gắng trong việc khắc phục khó khăn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đó là huyện vùng cao Yên Minh. ở huyện Yên Minh, khoa học - công nghệ đang được áp dụng mạnh vào thực tế đời sống xã hội, đi sâu vào tư tưởng nhân dân, làm cho nhân dân tin yêu hơn và nhiệt tình hưởng ứng áp dụng. Không như trước kia, Yên Minh chỉ độc canh cây ngô, phần ít có lúa nước, hiện tại bây giờ nhân dân trong huyện đã biết trồng và chuyển đổi các loại giống mới có năng suất cao đưa vào gieo trồng, biến những vùng đất khó khăn trở thành màu mỡ, thích ứng với nhiều loại cây trồng có năng suất cao như đậu tương, dưa hấu, khoai tây, su hào, bắp cải và nhiều loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, các huyện vùng thấp của tỉnh như Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình lại có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp và được coi là vùng động lực chủ yếu để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh lên một bước mới. Hầu hết ở các huyện này việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất được coi như là việc làm thường xuyên, liên tục. Với quan điểm “không cho đất nghỉ” đã làm cho cơ cấu mùa vụ tăng lên, đặc biệt là vụ 3 hàng năm của các huyện vùng thấp thường cho kết quả cao, qua đó người dân có thêm thu nhập, phát huy tối đa sức dân, khắc phục tính ỷ lại bấy lâu và thay đổi tập quán canh tác của đại bộ phận nông dân.
Để thực hiện đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, trong thời gian, tới Sở NN - PTNT sẽ phối hợp tốt với các huyện, thị tập trung chỉ đạo thắng lợi các mục tiêu kế hoạch sản xuất nông - lâm nghiệp đề ra. Trước mắt, chủ động các biện pháp phòng chống hạn cho lúa và hoa màu, khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại gây ra, khôi phục sản xuất, đẩy mạnh đầu tư thâm canh lúa, ngô theo phương châm “lấy mùa bù xuân”, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ, chỉ đạo tốtdự án hỗ trợ bảo vệ và phát triển lâm nghiệp tại 4 huyện vùng cao phía Bắc theo kế hoạch; đánh giá kết quả thực hiện một số mô hình sản xuất do Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo làm cơ sở triển khai nhân rộng.