Giải pháp về công nghệ và thương hiệu cho ngành chè Hà Giang hội nhập

17:09, 17/03/2008

Sự tác động của WTO sau 1 năm hội nhập:
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với 150 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Sau hơn 1 năm tham gia hội nhập, tất cả các loại hàng hóa của ta, của các nước được bình đẳng lưu thông, trao đổi, buôn bán.


 

 Thu hái chè Xuân ở Công ty Cổ phần Chè Hùng An. Ảnh: Vân Anh


Sự tác động sau hội nhập nhận thấy rõ nét nhất, tác động liên tục, mạnh nhất là sự “lên, xuống” của thị trường về giá nguyên liệu, năng lượng dầu mỏ, giá vàng, giá đô la, thị trường chứng khoán, giá vật tư, phân bón... trong từng ngày, từng giờ. Gần đây nhất là sự trượt giá hàng tiêu dùng, hàng nông sản, sự lạm phát chỉ số tiêu dùng CPI qua 2 tháng đầu năm Chính phủ công bố là 6,8%, bằng 70% chỉ số dự tính cả năm 2008. Tại sao có sự tác động liên tục, ghê gớm và ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới và nền kinh tế của ta như vậy? Đấy chính là sự tác động của tự do hóa nền kinh tế toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực: Sản xuất, tiêu dùng. Thế giới mới đây dự báo, sự gia tăng giá tiêu dùng đối với các hàng nông sản sẽ ở mức tăng 25 - 30%, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền sản xuất trong nước trong thời gian tới. Trong sự hội nhập vừa qua, chúng ta nhận thấy cơ hội trong sản xuất có sự tác động của hội nhập rất lớn. Điển hình vừa qua là quả Thanh long Bình Thuận đi Mỹ, Ca-na-đa, úc, Hồng Kông; củ khoai lang Đắc Nông được bán sang thị trường Nhật, Mỹ, Ca-na-đa... tới 10 đôla/kg, thu lời cao tới 30-40 lần so với giá bán nội địa và hội nhập rồi thì củ khoai của ta được công khai mua bán ra thế giới và được đối xử “bình đẳng” với tất cả hàng hóa nông sản của 149 nước thành viên. Điều đó hoàn toàn khẳng định cơ hội mở ra cho cây chè, ngành chè Hà Giang dưới sự tác động của hội nhập WTO là rất lớn.


Đổi mới công nghệ - hướng đi tất yếu:

Hiện nay thế giới phát triển sản xuất ở trình độ cao của khoa học và công nghệ. Đảng ta cũng đã xác định: “... Khoa học - công nghệ là vấn đề then chốt” để xây dựng đất nước. Chúng ta đang có lợi thế về thiên nhiên, khí hậu ưu đãi cho ta cây chè Shan tuyết hữu cơ có nguồn gen đầu dòng của cả thế giới. Từ thế kỷ XVIII, người Pháp đã tìm kiếm, phát hiện và ghi nhận chất lượng chè Hà Giang là loại chè có “một không hai” trên thế giới có lợi cho sức khỏe con người. Ngày nay, hội nhập kinh tế thế giới đang mở ra nhiều triển vọng to lớn cho cây chè, ngành chè của tỉnh phát triển. Muốn “sánh vai” với bè bạn 5 châu bắt buộc ngành chè của tỉnh phải đổi mới thật sự, đầu tư thâm canh, thu hái, chế biến ở trình độ cao. Đã đến lúc tỉnh cần biện pháp, giải pháp cụ thể hơn để lượng tiền hỗ trợ từ ngân sách 70 tỷ đồng đến năm 2010 (như định hướng) phải được các nhà chế biến, các DN đầu tư thỏa đáng mua sắm các máy móc, thiết bị chế biến hiện đại, làm ra sản phẩm chè “cao cấp”. Muốn vậy, bắt buộc phải “sắp xếp” lại ngành chè. Trong đó, từng bước hỗ trợ chuyển đổi cho các cơ sở thu mua, chế biến thủ công (400 cơ sở, 13 HTX, 3 DN) trong tỉnh phải tập hợp lại để “tập trung” nguyên liệu cho chế biến công nghệ cao. Làm vậy sẽ loại bỏ được sự tranh mua, tranh bán, loại bỏ được các sản phẩm sơ chế biến, bán nguyên liệu thô, rẻ tiền. Hướng tới “bắt buộc” thực hiện mối liên kết “các nhà” trong ngành chè để tạo ra vùng nguyên liệu “đủ - ổn định” cho các nhà, các DN đầu tư chiều sâu. Loại bỏ việc làm ăn manh mún. Tập trung cho các loại sản phẩm chất lượng cao theo quá trình hội nhập là hướng đi “không thể khác”.


Nói về công nghệ hiện nay có rất nhiều nước tiên tiến đã làm. Quan trọng là việc “lựa chọn” công nghệ “phù hợp” đòi hỏi phải có chiến lược tốt trong sản xuất, kinh doanh. Đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư phải lựa chọn chuẩn xác để không đầu tư tràn lan, hoặc nhập về các dây chuyền, thiết bị công nghệ cũ, lỗi thời bị thế giới loại thải. Sự lựa chọn công nghệ để đầu tư cho sản xuất, chế biến xuất khẩu chè trong quá trình hội nhập hiện nay đã đến lúc cần các giải pháp đồng bộ, dứt điểm, có sự ra tay của chính quyền, sự hỗ trợ của chính sách thỏa đáng.


Xây dựng và quảng bá thương hiệu hướng nào?

Đăng ký nhãn mác về xuất sứ hàng hóa, để làm minh bạch sản xuất, kinh doanh trong hội nhập WTO là đòi hỏi số 1, đòi hỏi bắt buộc. Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng được khá nhiều các nhãn hiệu xuất sứ cho cây chè của tỉnh, đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên phải khẳng định: Các sản phẩm chè làm ra “đều” phải đăng ký nhãn hiệu nguồn gốc. Từ các xuất sứ trên để trở thành “thương hiệu” còn là cả một quá trình. Còn “chọn” nhãn hiệu nào, loại chè nào để làm thương hiệu “đại diện” cho chè Shan tuyết Hà Giang lại là việc làm cần sự “cân nhắc”. Còn việc đăng ký làm “đa dạng” các sản phẩm chè Shan tuyết “trong” thương hiệu chè Hà Giang là hoàn toàn phù hợp với quy định ngặt nghèo của hội nhập. Nhìn sang Trung Quốc là nước có những nhãn hiệu chè nổi tiếng: Chè Long Tỉnh ở Tây Tạng (thôn Long Tỉnh của vùng núi Tây Tạng) đã được truyền tụng từ đời vua Khang Hy và đã được Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc đương nhiệm “đặt” làm quà cho các nguyên thủ quốc gia trong ngoại giao quốc tế và có giá bán trên 100.000 đôla/kg. Trung Quốc có chè Phổ Nhĩ loại 50 năm tuổi, bán 100 triệu đồng/kg; loại Phổ Nhĩ 64 tuổi bán 700 triệu đồng, loại 85 năm tuổi từ thời Lỗ Tấn, Chu Hải Anh được bán đấu giá 800 triệu đồng/kg... Như vậy, Trung Quốc đã “chọn” ra được các nhãn hiệu nổi tiếng để làm thương hiệu và quảng bá thương hiệu chè cho họ. Tức là chọn “cái tinh chất” trong muôn loài hoa để tôn vinh nó.


Trở lại việc quảng bá thương hiệu cây chè của ta thời gian qua cũng rất đáng ghi nhận. Đặc biệt sự quảng bá lớn trong Hội trà toàn tỉnh tháng 12.2007. Tuy nhiên, ngoài cái được, chúng ta còn nhiều việc phải làm đó là sự “lựa chọn” nhãn mác chè, các hãng, các doanh nghiệp chế biến chè để “đầu tư” thêm cho việc quảng bá thương hiệu “chung” cho cây chè của tỉnh cũng cần tính toán xem xét lại. Muốn vậy, bắt buộc các doanh nghiệp làm chè phải “cam kết” đổi mới công nghệ chế biến, tập hợp được vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất ra các loại chè có giá trị cao “đáp ứng” nhu cầu, thị hiếu trong quá trình hội nhập. Biết lựa chọn những sản phẩm có tinh chất tốt để quảng bá, thay vì quảng bá tràn lan. Những chính sách khuyến công, khuyến nông cũng phải theo đó mà có các giải pháp hỗ trợ “thỏa đáng” tránh hình thức “trải đều” không mấy hiệu quả. Quảng bá tập trung sẽ làm chè Lũng Phìn (Đồng Văn), chè Thượng Sơn (Vị Xuyên), Chế Là (Xín Mần), Túng Sán (Hoàng Su Phì), Hùng An (Bắc Quang)... trở thành các nhãn nổi tiếng trên thị trường chè thế giới trong tầm tay. Có những chính sách vĩ mô, hướng sản xuất, kinh doanh chiến lược để sắp xếp, đổi mới lại ngành chè, nền sản xuất chè, tin chắc ngành chè của tỉnh sẽ hội nhập vững chắc trong nền kinh tế toàn cầu WTO.


Nguyễn Mạnh Hùng

Cùng chuyên mục

Khôi phục vụ Xuân ở vùng trọng điểm lúa
(HGĐT)- Đến hết ngày 26.2, tại 2 huyện trọng điểm lúa là Vị Xuyên, Bắc Quang, đồng bào đã tiếp nhận gần 100 tấn giống các loại. Số giống trên đã đồng loạt được gieo trồng trước ngày 25.2 (đối với lúa). Có nhiều cách làm mới đáng ghi nhận từ thực tiễn mùa vụ...
29/02/2008
Xã việt vinh khắc phục hậu quả do rét đậm cho cây trồng, vật nuôi
(HGĐT)- Thời gian rét đậm kéo dài hơn 1 tháng đầu năm nay, đã gây ra thiệt hại rất lớn cho cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của người dân Xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, với 104,08 ha lúa và 48 con trâu, bò chết rét.
29/02/2008
Cơn “chấn động” đi qua - nỗi đau còn hiện hữu
(HGĐT)- 39 ngày rét đậm, rét hại kéo dài từ trước, trong và sau Tết nguyên đán là cơn “chấn động” lớn đối với nền nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển đàn gia súc của tỉnh. Nó đẩy nhiều người dân đang hân hoan trong niềm vui thoát nghèo và ôm ấp giấc mơ làm giàu từ chăn nuôi gia súc trở lại cái nghèo. Cơn “chấn động” này, ngoài yếu tố khắc nghiệt của
29/02/2008
Hiệu quả trong kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách
(HGĐT)- Thực hiện chủ trương cổ phần hóa theo đường lối đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, Công ty Cổ phần Xe khách Hà Giang là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên của tỉnh chuyển hình thức sở hữu sang công ty cổ phần. Sau gần 8 năm thực hiện, công tác cổ phần hóa đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp ở đây.
27/02/2008