Các loại hình chuồng trại phát huy chống rét tốt ở các huyện vùng cao núi đá
(HGĐT)- Đối với chuồng trình tường: Đây là kiểu chuồng truyền thống rất phổ biến của đồng bào dân tộc Mông, tường được trình bằng đất nện, có bề dày 40cm, cao 2,7 đến 3m.
Chuồng kiểu này có cửa vào, lỗ thông thoát khí, cửa thoát chất thải, phía trên có mái che, bảo đảm kín gió tối đa, rất thuận lợi cho áp dụng các biện pháp chống rét cho gia súc – gia cầm như hun trấu, thắp bóng điện.
Đối với chuồng đổ bê tông: Đây là kiểu chuồng trại mới đang được áp dụng tại các hộ có điều kiện kinh tế khá trở lên, nền lát gỗ và xây tường bao kiên cố, mái che; ngoài những ưu điểm như kiểu chuồng ở trêncòn rất thuận lợi cho việc vệ sinh chuồng trại, chăm sóc, cách ly phòng ngừa bệnh dịch và bảo vệ gia súc (là kiểu chuồng trại quy mô có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và số lượng gia súc nếu là bò từ 8 đến 10 con trở lên).
Đối với kiểu chuồng đóng văng: Vật liệu phổ biến bằng gỗ, nền sàn lát ván gỗ và cũng có mái che (nhưng cũng có thiết kế khung chuồng bằng bê tông); đây cũng là kiểu chuồng rất phổ biến của đồng bào dân tộc Mông, ngoài những ưu điểm nêu trên, kiểu chuồng này có độ thoáng khí rất phù hợp đối với mật độ đàn gia súc dày; còn có ưu điểm rất lớn là không bị ảnh hưởng độ lạnh, hơi ẩm của đất và gia súc không bị dầm mình trong chất thải, nhưng phải che chắn chuồng trại tốt.
Với 3 kiểu chuồng này, có thể áp dụng cho từng vùng, từng điều kiện tự nhiên; đồng thời đã trả lời một trong những câu hỏi vì sao trong đợt rét kỷ lục vừa qua lại có sự chênh lệch mức độ thiệt hại gia súc – gia cầm giữa các huyện, xã; các vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh, giữa vùng cao và vùng thấp; mà một nghịch lý là các huyện, xã ở vùng thấp xảy ra thiệt hại về gia súc bị chết rét nhiều hơn các huyện, xã ở vùng núi cao như Đồng Văn, Mèo Vạc và hiện thực không chỉ xảy ra ở tỉnh ta mà ở rất nhiều tỉnh của miền Bắc nước ta trong đợt rét vừa qua.
Kiểu chuồng đóng văng bằng gỗ. |