Con trâu là “đầu cơ nghiệp”
(HGĐT)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, giai đoạn 2005-2010...
Trong đó có định hướng mỗi năm trồng mới 2.500 ha cỏ chăn nuôi, để đến năm 2010 toàn tỉnh có 15.000 ha cỏ, từng bước đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ thành ngành sản xuất chính và đàn trâu sẽ tăng 1,4 lần so với hiện nay. Tổng đàn trâu đến hết năm 2006, toàn tỉnh có khoảng trên 142.000 con, sản lượng trâu thịt đạt gần 1.000 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2001.
Vị thế của con trâu
Ở các tỉnh miền xuôi, con trâu đã dần vắng bóng trong sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là những con “trâu sắt” chạy trên cánh đồng bằng phẳng, dưới sự điều khiển của các cô nông dân “áo hoa, quần bò”. Dù có công nghiệp hoá đến bao nhiêu, nhưng để phát triển nông nghiệp ở một tỉnh miền núi như Hà Giang, những ruộng bậc thang chỉ bằng một đường bừa, thì con trâu vẫn “lên ngôi”, vẫn là đầu cơ nghiệp trong mỗi gia đình nông dân và nếu muốn giải phóng con trâu, thì chỉ bằng cách không làm nông nghiệp nữa. Hơn thế, con trâu ở tỉnh ta còn “lên ngôi” ở một vị thế khác, vừa là nhu cầu thị trường, do các tỉnh đồng bằng không có đồng cỏ, không có chỗ chăn thả, bởi vậy thịt trâu đã trở thành món ăn đặc sản. Không những thế trâu, bò thịt vẫn là một mặt hàng thiết yếu hiện nay tỉnh ta xuất vào thị trường nội địa. Ước bình quân mỗi tháng có khoảng 70 con trâu, 80 con bò được lên xe và trở thành hàng hoá.
Từ nhu cầu ấy, nhiều năm qua tỉnh ta đã chú trọng đến việc phát triển đàn trâu thịt, trâu sinh sản, tập trung nhiều ở các huyện núi đất phía Nam và phía Tây tỉnh. Đó cũng là những lợi thế, tiềm năm trong mỗi gia đình nông dân, vừa có sức kéo, vừa có một sản vật có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên cũng có một số khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, về quy hoạch đồng cỏ và thời tiết khắc nghiệt của mùa đông gây ra khan hiếm thức ăn, đàn trâu chậm phát triển.
Có thể nâng tỷ trọng kinh tế
Trong mục tiêu phát triển đàn trâu hàng hoá, đàn trâu sinh sản, huyện Bắc Quang, Hoàng Su phì, Vị Xuyên được coi là những địa bàn trọng điểm phát triển đàn trâu của tỉnh, đồng thời cũng là huyện động lực cho ngành chăn nuôi vươn lên, chiếm tỷ trọng kinh tế cao. Tính đến nay toàn huyện Bắc Quang có khoảng trên 22.000 con trâu, với tốc độ tăng trung bình hàng năm đạt từ 3,4-3,6%. Tuy nhiên huyện cũng chưa xây dựng được quy hoạch phát triển đàn trâu một cách bài bản, nhất là đối với từng xã, từng vùng nên chưa phát huy được tiềm năng sẵn có. Đặc biệt là việc quy hoạch khu vực đồng cỏ để phát triển trâu hàng hoá, khuyến khích các hộ chăn nuôi trâu sinh sản, đưa những kỹ thuật chăn nuôi trâu đến với người chăn nuôi để tránh việc đầu tư ồ ạt dễ bị rủi ro do dịch bệnh và thiếu thức ăn gây ra.
Công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu còn nhiều hạn chế, hầu hết các gia đình chăn nuôi trâu ở Bắc Quang vẫn áp dụng theo kinh nghiệm truyền thống. Vì vậy, nguồn gen đàn trâu địa phương đang có nguy cơ bị suy thoái, dễ bị dịch bệnh, khi chưa có những tiến bộ khoa học đưa vào ứng dụng, như việc thụ tinh nhân tạo, sử dụng thức ăn chế biến công nghiệp, kỹ thuật lai kinh tế, chọn lọc, cải tạo, bảo vệ nguồn gen của đàn trâu giống địa phương...
Nói chung việc chăn nuôi trâu còn xuất phát từ chăn nuôi trâu truyền thống, nằm trong mô hình kinh tế hộ, chưa có đầu tư đúng mức, chưa có nơi tiêu thụ, chế biến thực phẩm và việc phòng, chống dịch bệnh cho trâu còn hạn chế đã gây không ít khó khăn cho phát triển đàn trâu. Việc phát triển đàn trâu hàng hoá, sinh sản được Đảng bộ huyện Bắc Quang coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ, giai đoạn 2006-2010, với mục tiêu đến năm 2010 cótrên 31.000 con, tăng từ 5-9%/ năm và bình quân mỗi năm có 3.000 con trâu xuất bán. Huyện Bắc Quang cũng coi năm 2006 là một năm “bản lề” của nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm này, đàn trâu của huyện Bắc Quang đã tăng trưởng một cách rõ rệt, nhất là đối với các xã có điều kiện chăn thả thuận lợi, như Thượng Bình, Đức Xuân, Tân Lập, Đồng Tiến, Đồng Tâm...
Mục tiêu phát triển đàn trâu sinh sản, trâu hàng hoá ở huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và nhiều huyện khác trong tỉnh đang trở thành mô hình sản xuất hàng hoá bền vững của nhiều hộ nông dân và đang trở thành mục tiêu chuyển dịch kinh tế có tính thuyết phục cao.
Những điều cần bàn
Điều cần bàn hiện nay là các huyện, các xã, thậm chí là cấp thôn bản đều còn yếu và thiếu về kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi, nhất là đối với con trâu, chưa có những quy hoạch cụ thể khu vực chăn thả, diện tích trồng cỏ chăn nuôi và phát triển bao nhiêu con/năm là phù hợp? Các huyện cần có kế hoạch tiêu thụ trâu thịt cho nhân dân, tránh việc phát triển rầm rộ, rồi bỏ mặc thị trường và điều thua thiệt nhất vẫn là người chăn nuôi trâu gánh chịu và hiện tại trâu hàng hoá vẫn là một thị trường bỏ ngỏ.
Ý kiến bạn đọc