Qua 5 năm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trong những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng như các ngân hàng Thương mại khác trên địa bàn đã phục vụ tốt các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh góp phần XĐGN cho các thành phần kinh tế cũng như đồng bào các dân tộc toàn tỉnh.
Song song với việc phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, NHNNo & PTNT tỉnh còn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản... với đa dạng hóa các loại hình khách hàng, trong đó quan tâm chú trọng đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)
Theo số liệu thống kê của NHNNo & PTNT thì hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 400 doanh nghiệp và trên 300 HTX đã và đang hoạt động. Trong đó có 284 DNNVV hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, 65 DNNVV hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, 31 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, còn lại là sản xuất nông nghiệp và các ngành khác. Đây là một thành phần kinh tế quan trọng góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển KT-XH nói chung và sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng. Trong bối cảnh tỉnh ta còn khó khăn về nguồn lực đầu tư phát triển nên hầu hết doanh nghiệp đều cần đến sự hỗ trợ của vốn tín dụng ngân hàng để thực hiện sản xuất kinh doanh. Tính đến 30.11.2006, có 153 doanh nghiệp quan hệ tín dụng với NHNNo & PTNN, chiếm 20,3% tổng số doanh nghiệp hiện có trên địa bàn. Tổng dư nợ của các doanh nghiệp tại NHNNo & PTNT là 410 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 173 tỷ đồng. Kết quả đã cho thấy, từ năm 2001 hoạt động của NHNNo & PTNT đều tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và của ngành đề ra nhằm đổi mới hoạt động ngân hàng chủ động về vốn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về vốn và dịch vụ thanh toán cho khách hàng trên địa bàn, đa dạng đối tượng khách hàng quan hệ trong đó chú trọng đến khách hàng là DNNVV, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Trong điều hành công tác tín dụng, Chi nhánh NHNNo & PTNT tỉnh luôn bám sát định hướng chiến lược của NHNNo & PTNT Việt Nam, bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển và định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương trong từng thời kỳ để xác định mục tiêu, định hướng đầu tư tín dụng phù hợp. Riêng đối với cho vay các DNNVV được quan tâm chú trọng đầu tư. Vì thế kết quả thực hiện tăng dần theo các năm. Tỷ lệ cho vay DNNVV chiếm 40,7%/ tổng dư nợ toàn chi nhánh (410 tỷ/1.008 tỷ đồng).
Về chất lượng tín dụng trong giai đoạn 2001 - 2006, ngân hàng đã chú trọng đầu tư đối với khách hàng là DNNVV trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng kịp thời vốn cho doanh nghiệp, trong đó đa phần các doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là đối với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện, thương mại dịch vụ và công nghiệp chế biến. Riêng lĩnh vực đầu tư XDCB, NHNo & PTNT tỉnh đã quan tâm đáp ứng về vốn nhất là trong thời kỳ thực hiện chủ trương "đại công trường xây dựng" để xây dựng cơ sở hạ tầng trong toàn tỉnh. Tổng dư nợ cho vay đầu tư XDCB của toàn chi nhánh thời điểm cao nhất (31.12.2004) là 224 tỷ đồng với 101 doanh nghiệp. Hiện nay còn dư nợ 196 tỷ đồng, với 89 doanh nghiệp. Trong quá trình đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XDCB, NHNo tỉnh còn gặp một số khó khăn đó là: Các doanh nghiệp đã sử dụng vốn NHNo để thi công xây dựng các công trình nhưng chưa được ngân sách cấpnguồn thanh toán nên doanh nghiệp chưa có nguồn để trả nợ NHNo đúng hạn, do vậy tỷ lệ nợ quá hạn của lĩnh vực này rất cao so với mức cho phép. Vì thế đến 30.11.2006 nợ quá hạn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 173 tỷ đồng, chiếm 17%/tổng dư nợ (173 tỷ/1.008 tỷ), riêng nợ quá hạn cho vay XDCB là 148 tỷ đồng, chiếm 14,7%/tổng dư nợ (148 tỷ/1.008 tỷ)...
Để bảo đảm cho các DNNVV có vốn phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, nhưng an toàn nguồn vốn, NHNo và PTNT đã có nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường công tác huy động vốn đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các khách hàng trên địa bàn, đặc biệt đối với khách hàng DNNVV có đủ điều kiện quan hệ tín dụng với NHNo, ổn địng vững chắc thị trường truyền thống nông nghiệp - nông thôn. Đối tượng đầu tư chính thuộc các ngành sản xuất chế biến nông - lâm nghiệp, hàng tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, thương hiệu dịch vụ, tập trung nguồn vốn đầu tư vào các dự án thủy điện nhỏ và vừa trong tỉnh, mở rộng đầu tư tín dụng các hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất - nhập khẩu tại trung tâm, đô thị, cửa khẩu. Phấn đấu đến năm 2010, dư nợ cho vay đối với DNNVV đạt 650 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân 10 - 12 % năm, tỷ lệ nợ xấu dưới 5%. Đồng thời quan hệ tín dụng và cung cấp dịch vụ cho khoảng 60% khách hàng là DNNVV. Đặc biệt ưu tiên khách hàng DNNVV có đủ điều kiện quan hệ tín dụng, cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ hiện đại như tín dụng, bảo lãnh, bao thanh toán, dịch vụ ngoại tệ, thanh toán trong nước và quốc tế.
Ý kiến bạn đọc