Giúp nông dân XĐGN làm giàu hiệu quả
(HGĐT)- Nhiều năm qua, phong trào phát triển kinh tế của Hội Nông dân tỉnh và các huyện đã đi vào đời sống nông dân các vùng miền trong tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực, như phát triển mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp, trang trại, mô hình kinh tế đa thu nhập, chuyển đổi mùa vụ, cây con, trồng cấy, chăn nuôi hàng hoá có giá trị cao.
Qua các phong trào này xuất hiện hàng nghìn hội viên trong tỉnh đã và đang vươn lên làm giàu, XĐGN và hình thành các vùng kinh tế trọng điểm theo quy hoạch chung của huyện, của tỉnh.
Trong năm 2006, phong trào nông dân ở các cấp hội đã thi đua nhau sản xuất, kinh doanh giỏi, nhân rộng điển hình cá nhân, tập thể ra đều khắp 11 huyện thị. Các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, từ huyện xuống xã vận động nhân dân đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, vào trồng rừng và chăn nuôi. Bên cạnh đó là tranh thủ các chương trình, dự án được thực hiện trên địa bàn để hình thành các mô hình kinh tế hàng hoá, giúp nông dân có thể thực hiện hiệu quả và áp dụng ngay tại gia đình, hay địa phương mình. Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây, con, tìm hiểu thị trường, kết hợp với các doanh nghiệp, tư thương ở nơi khác tìm đầu ra cho sản phẩm một cách bền chặt. Như Hội Nông dân các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Đồng Văn đã không ngừng đổi mới cách hoạt động, lấy ý kiến hội viên trong cách xây dựng mô hình kinh tế cho phù hợp với vùng khí hậu và tập quán canh tác của nhân dân. Đồng bào Mông ở Đồng Văn, Mèo Vạc thì Hội Nông dân kết hợp với các ngành chức năng như khuyến nông đưa cây ngô cao sản, đậu tương năng suất cao, cây lê ăn quả, chăn nuôi dê, giống bò vàng địa phương vào thực hiện. Hội Nông dân Bắc Quang thì đưa mô hình cây ăn quả có múi, như cam, quýt đỏ vào xã Tân Thành, Vĩnh Hảo... và nhiều mô hình chế biến lâm sản, xây dựng HTX chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại thị trấn... Qua những mô hình do Hội Nông dân và hội viên đã vay vốn xây dựng mang lại những kết quả đáng khích lệ, năm 2006 vừa qua đã có trên 17.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 110 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 394 hộ đạt danh hiệu cấp huyện và gần 4.500 hộ giỏi cấp xã...
Để các hộ nông dân có được các mô hình kinh tế phù hợp, bền chặt, phát huy được vai trò chuyển giao tiến bộ KHKT, chuyển đổi cây con, mùa vụ, khai thác được tiềm năng, nội lực của gia đình, của địa phương, Hội Nông dân đã mở 978 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT chăn nuôi, trồng trọt cho gần 33.000 lượt hội viên trên toàn tỉnh tham gia. Tiến hành từng bước thực hiện mô hình kinh tế để đồng bào dễ hiểu, dễ nắm bắt và áp dụng thông qua hàng trăm hội nghị đầu bờ, bên chuồng trại hay bên ao thả cá, bên cải tạo vườn, từ khâu làm đất, trồng cây, gieo hạt, thả cá, xây dựng chuồng trại, chăn nuôi và kết quả thu được. Qua những hội nghị có tính hướng dẫn trên thực địa này, các hội viên Hội Nông dân đã tự động vay vốn, nhân rộng mô hình ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như trồng cỏ, chăn nuôi bò ở Pả Vi, huyện Mèo Vạc; trồng lúa thơm có giá trị hàng hoá cao ở xã Đồng Văn, nuôi bò vàng địa phương ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn; trồng cây chè khổng lồ ở xã Mậu Long, huyện Yên Minh; trồng Thảo quả ở xã Túng Sán, cây đậu tương hoa trắng ở xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì.... nuôi gà đen, gà ngũ chảo, nuôi thỏ, lợn nái...
Được sự giúp đỡ của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức phi Chính phủ, Tỉnh hội đã đưa 4 dự án “hướng dẫn người nghèo cách làm ăn” tại xã Phong Quang (Vị Xuyên); Lao Chải, Thắng Mố (Yên Minh); xã Phố Cáo (Đồng Văn). Các dự án này đã đầu tư vốn ban đầu là 145 con bò, cho 145 hộ nông dân nuôi sinh sản. Đến nay đàn bò đã tăng thêm 123 con và luân chuyển cho 258 hộ cùng chăn nuôi, đồng thời hàng nghìn hộ khác cũng được hưởng lợi qua việc chuyển giao cách sản xuất, chăn nuôi và giúp đỡ vật tư sản xuất.
Những mô hình kinh tế mà Hội Nông dân các cấp thực hiện trong những năm qua đã tập trung được thế mạnh của địa phương, thu hút hội viên vươn lên XĐGN và làm giàu hiệu quả, có định hướng bền chặt.
Ý kiến bạn đọc