Thành phố Hà Giang quyết liệt thực hiện Đề án 06
BHG - Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, thành phố Hà Giang đã huy động cả hệ thống chính trị từ thành phố đến các xã, phường, tổ dân phố và người dân tham gia thực hiện. Trong đó tập trung tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số; giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia và đạt được kết quả khá toàn diện.
Công an thành phố Hà Giang làm thủ tục cấp Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi tại phường Quang Trung. |
Đối với dịch vụ công thuộc các lĩnh vực của Công an, đến nay Công an thành phố đã thực hiện 9/11 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 6 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận và giải quyết 15.427/15.527 hồ sơ trực tuyến, đạt 99,64%. Cùng với dịch vụ công thuộc các lĩnh vực Công an, các dịch vụ công thiết yếu của các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, như lĩnh vực tư pháp, thuế, nhóm tiện ích phát triển KT- XH. Đặc biệt, lĩnh vực tài nguyên – môi trường, 6 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận và giải quyết nhận hồ sơ trực tuyến được 92/92 hồ sơ đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 100%. Nhóm phục vụ phát triển công dân số, đến ngày 10.5.2024, toàn thành phố đã thu nhận được 43.390 hồ sơ Căn cước công dân (CCCD); đồng thời Tổ công tác Đề án 06 thành phố chỉ đạo Đội Quản lý hành chính Công an thành phố phối hợp với Công an các xã, phường tiếp tục cấp CCCD cho công dân đủ 14 tuổi trở lên mới phát sinh, để duy trì đảm bảo 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn thành phố được cấp CCCD kịp thời, đúng quy định; về đăng ký, thu nhận hồ sơ định danh điện tử, toàn thành phố đã thu nhận và đăng ký được 42.629/43.775 nhân khẩu đủ 14 tuổi trở lên, đạt 97,38%; kích hoạt định danh điện tử được 34.716 tài khoản/43.775 nhân khẩu trở lên, đạt 79,31%; Hiện tại, thành phố Hà Giang cũng đã đồng bộ, xác thực được 54.484/54.748 dữ liệu BHXH, BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 99,7%…
Người dân làm thủ tục tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của thành phố Hà Giang. |
Đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 cho biết: Thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, trình độ dân trí khá đồng đều nên việc triển khai thực hiện Đề án 06 khá thuận lợi. Việc triển khai Đề án được thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và đạt được kết quả khá toàn diện; đặc biệt là công tác an toàn, an ninh thông tin được đảm bảo, đến nay đã hoàn thành việc kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia với dịch vụ công trực tuyến; công tác làm sạch dữ liệu dân cư, cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử cho công dân đạt kết quả cao. Từ đó đã giảm thủ tục, thời gian, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính; các giá trị của thực tiễn đem lại từ cải cách hành chính, chuyển đổi số được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia, ủng hộ.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Thượng tá Võ Bá Châu, Trưởng Công an - Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 thành phố Hà Giang, cho biết: Hiện hệ thống đường truyền kém, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ này đang hạn chế, chưa được trang bị đầy đủ, thiếu máy tính để tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Một số đơn vị còn xem chuyển đổi số là nhiệm vụ của lực lượng Công an nên chưa chủ động, khi có yêu cầu, chỉ đạo, đôn đốc của UBND tỉnh mới phối hợp thực hiện, dẫn đến một số nhiệm vụ chậm tiến độ. Đối với dữ liệu chuyên ngành của các phòng, ban, đơn vị, tổ chức chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch” theo quy định, khó khăn cho việc triển khai kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nguồn lực về công nghệ thông tin để thực hiện Đề án 06 cũng như chuyển đổi số ở các đơn vị hạn chế cả về số lượng và chất lượng, bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức chưa tích cực nghiên cứu, học hỏi nhằm nâng cao trình độ năng lực, ngại va chạm, tiếp cận với công nghệ thông tin.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án 06, thời gian tới, thành phố Hà Giang mà nòng cốt là Tổ công tác Đề án 06 tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cập nhật thông tin, thực hiện các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số; đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện Đề án 06; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức làm việc trên môi trường điện tử, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của phường; đẩy mạnh triển khai thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc