Nỗ lực hoàn thiện xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng

17:42, 17/07/2024

BHG - Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1.7.2024, khách hàng của các ngân hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến sẽ bắt buộc xác thực bằng sinh trắc học (STH) khớp đúng với dữ liệu được lưu trữ trong chip của Căn cước công dân (CCCD). Theo đó, khách hàng bắt buộc xác thực STH bằng khuôn mặt khi thực hiện các giao dịch vượt hạn mức, bao gồm: giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần; tổng hạn mức chuyển tiền trong ngày đạt trên 20 triệu đồng/ngày; tổng hạn mức các dịch vụ thanh toán trong ngày đạt trên 100 triệu đồng/ngày. Đối với khách hàng lần đầu tiên đăng nhập trên thiết bị hoặc đăng nhập khi thay đổi thiết bị cũng cần phải xác thực STH. Tại Hà Giang, sau hơn 2 tuần thực hiện các ngân hàng đã và đang tích cực tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách thức thực hiện STH để đảm bảo giao dịch tín dụng.

  Cán bộ LPBank Hà Giang hướng dẫn khách hàng thực hiện xác thực STH  
  Nhiều khách hàng không thể tự xác thực tại nhà mà phải đến quầy giao dịch và sự hỗ trợ của cán bộ ngân hàng.  

Ngân hàng hỗ trợ xử lý khó khăn khi xác thực

Agribank Hà Giang là một trong những ngân hàng có số lượng khách hàng đăng ký Agribank Plus với trên 120 nghìn khách hàng. Vì vậy, để triển khai quy định này Agribank đã thông báo trực tuyến đến từng tài khoản và cùng hướng dẫn cụ thể, với những trường hợp không thể tự cập nhật có thể đến trực tiếp ngân hàng để được cán bộ hỗ trợ. Điển hình như bà Hoàng Thị Quỵ, xã Bằng Lang (Quang Bình) không thể tự xác thực tại nhà được nên phải đến trực tiếp quầy giao dịch để các nhân viên ngân hàng hỗ trợ. “Tôi đã nhiều lần tự xác thực STH bằng khuôn mặt nhưng bất thành vì điện thoại di động không có NFC (là ứng dụng công nghệ giao tiếp không dây tầm ngắn, cho phép trao đổi dữ liệu giữa các thiết bị trong khoảng cách gần). Chính vì vậy, tôi phải đến ngân hàng nhờ cán bộ ngân hàng Agribank hỗ trợ, tôi mới thực hiện xong việc xác thực STH bằng khuôn mặt”, bà Quỵ chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Đại Hà, Phó Giám đốc Agribank Hà Giang cho biết: Ghi nhận tuần đầu tiên khi bắt đầu triển khai là tuần đông khách hàng đến cập nhật STH nhất tại các trụ sở giao dịch. Đến thời điểm này chi nhánh đã hoàn thu thập thành công 17.605/120.772 tài khoản. Phần lớn khách hàng gặp khó khăn do không có CCCD gắn chip, không có điện thoại hỗ trợ công nghệ NFC và một số khách hàng lớn tuổi, không thực hiện đúng các thao tác hướng dẫn. Sau khi được hướng dẫn trực tiếp từ nhân viên ngân hàng, khách hàng đều xác thực STH thành công. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng không tự thực hiện xác thực STH tại nhà được. Theo hướng dẫn của các ngân hàng, phương thức xác định STH bằng khuôn mặt gồm có các bước: Đăng nhập ứng dụng SmartBanking của ngân hàng trên điện thoại di động và chọn tính năng thu thập STH; chụp mặt trước của CCCD gắn chíp; sử dụng điện thoại thông minh để đọc thông tin CCCD có gắn chíp và chụp mặt sau CCCD; xác thực khuôn mặt và sau cùng là nhập mã OTP được gửi qua tin nhắn SMS để hoàn thành các thao tác thu thập STH.

Làm xuyên thứ 7 và chủ nhật để hỗ trợ STH cho khách hàng

Nhiều khách hàng không thể tự xác thực tại nhà mà phải đến quầy giao dịch và sự hỗ trợ của cán bộ ngân hàng.

Cán bộ LPBank Hà Giang hướng dẫn khách hàng thực hiện xác thực STH

Để phục vụ nhu cầu hoàn thiện việc sinh trắc học, bảo đảm giao dịch thông suốt, nhiều ngân hàng thông báo sẽ mở cửa làm việc vào thứ 7, chủ nhật để tiếp tục hỗ trợ thu thập STH tại quầy giao dịch cho khách hàng. Việc triển khai thực hiện yêu cầu xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản có thể gây khó khăn bước đầu cho khách hàng trong một vài ngày đầu, tuy nhiên đây là giải pháp cần thiết để ngăn chặn những hành vi lừa đảo và bảo vệ tài sản của khách hàng.

Ngay khi quyết định 2345 của NHNN được ban hành, Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank) chi nhánh Hà Giang đã khẩn trương cập nhật và bổ sung dữ liệu STH từ thẻ CCCD gắn chíp của khách hàng, có đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư của Bộ Công an. Anh Nguyễn Trọng Toàn, Giám đốc LPBank Hà Giang cho biết: Việc sớm thu thập thông tin STH của khách hàng nhằm mục tiêu đảm bảo trải nghiệm thuận tiện, liền mạch và không bị gián đoạn trên các nền tảng số cũng như tăng cường bảo mật, bảo vệ khách hàng trong các giao dịch chuyển tiền. Đặc biệt, ngay trong tuần đầu tiên tức ngày mùng 6 - 7.7 và đến thời điểm hiện tại toàn bộ 10 phòng giao dịch tại các huyện và Hội sở tại TP Hà Giang đều làm việc vào thứ 7 và chủ nhật nhằm hỗ trợ, tư vấn khách hàng đến xác thực STH.

Bên cạnh việc các ngân hàng hỗ trợ khách hàng xác thực STH thì cũng đã nảy sinh ra những đối tượng lừa đảo tinh vi. Theo nhiều thông tin từ các ngân hàng cho biết, những đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên lạc trực tiếp đến người dân bằng các hình thức như: Gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn qua các trang mạng xã hội và thông báo mục đích hướng dẫn cập nhật STH cho khách hàng. Đặc biệt, các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh CCCD, hình ảnh khuôn mặt để giả vờ làm thủ tục lấy thông tin STH giống quy trình của các ngân hàng nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, chiếm đoạt các tài khoản trên điện thoại gồm cả tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân.

Chính vì vậy, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin bảo mật như: Mã xác thực OTP, số thẻ, mật khẩu ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng và không tải ứng dụng lạ, truy cập đường link lạ ngoài ứng dụng chính thức của ngân hàng hiện tại của mình đang dùng.

Việc triển khai thực hiện cập nhật STH là xu hướng tất yếu trong giao dịch ngân hàng, điều này mang lại nhiều thuận lợi cho cả người dùng và ngân hàng. Việc triển khai xác thực STH cần có lộ trình, đồng bộ, hiệu quả, hạn chế tối đa gián đoạn, khó khăn cho người dùng. Tin rằng, việc hoàn thiện xác thực STH sẽ sớm trở thành phương thức bảo mật phổ biến, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số của cả nước nói chung và Hà Giang nói riêng.

Bài, ảnh: Hồng Cừ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường số hóa các dịch vụ điện
BHG - Thời gian qua, Điện lực Yên Minh đã tích cực ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động, nổi bật trong đó là số hóa các dịch vụ điện. Qua đó, tạo ra nhiều lợi ích thiết thực, chăm sóc toàn diện và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
29/06/2024
Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử ở các lĩnh vực bán lẻ
BHG - Từ ngày 1.7.2022 hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19.10.2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, các hình thức HĐĐT như HĐĐT có mã của cơ quan thuế và HĐĐT không có mã của cơ quan thuế chưa đáp ứng tốt cho một số hoạt động đặc thù, có thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục, giá trị từng hóa đơn không nhiều nhưng tần suất phát hành hóa đơn lớn.
28/06/2024
Đẩy mạnh liên thông điện tử thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cho trẻ dưới 6 tuổi
BHG - Với mục tiêu hướng đến đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, mọi đối tượng xã hội, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng ưu đãi đặc biệt. Do vậy, việc liên thông dữ liệu khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi được các cấp, ngành tại huyện Xín Mần quan tâm, đảm bảo thuận tiện và đầy đủ quyền lợi cho trẻ.
27/06/2024
Thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt
BHG - Với phương châm nỗ lực không ngừng của các ngân hàng trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, việc sử dụng các tiện ích ngân hàng điện tử trong các hoạt động thanh toán tiêu dùng hàng ngày đã dần quen thuộc đối với người dân trên địa bàn huyện Quản Bạ. Thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Quản Bạ đã nỗ lực triển khai nhiều sản phẩm, giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mang đến tiện ích vượt trội cho khách hàng.
26/06/2024