Hành trang quý để xây dựng công dân số
BHG - Câu hỏi gần gũi với đời sống thường nhật; chất lượng bài dự thi duy trì ở mức cao; sức lan tỏa xã hội rộng khắp; trang bị hành trang số quý giá… Đây là những thành quả quan trọng từ Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số (CĐS) năm 2024 với chủ đề “Xây dựng công dân số tỉnh Hà Giang”; trở thành minh chứng sinh động cho quyết tâm chính trị của tỉnh trên hành trình CĐS vì Hà Giang phát triển.
Quyết tâm chính trị cao
Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, nhận thức và hành động của các cấp, ngành có chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Hà Giang, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa thực sự bứt phá, nhất là với người dân, doanh nghiệp. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về CĐS năm 2024 với chủ đề “Xây dựng công dân số tỉnh Hà Giang” bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của toàn dân nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu CĐS giai đoạn 2021 – 2025, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Anh Lưu Văn Nam (Bưu điện huyện Bắc Quang) và đồng nghiệp thành lập nhóm zalo chia sẻ kinh nghiệm dự thi. Ảnh: Thu Phương |
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Thái Hòa chia sẻ: Cuộc thi được UBND tỉnh tổ chức qua 4 tuần thi, kể từ ngày 18.6 – 14.7. Nội dung thi xoay quanh những kiến thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân; nhận diện hành vi lừa đảo trên không gian số; những hành vi pháp luật nghiêm cấm và chế tài xử lý; khuyến nghị ứng xử trên mạng xã hội… Để tổ chức cuộc thi, tỉnh đã thành lập Ban tổ chức cuộc thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi gần gũi với người dân trong việc tiếp cận, xử lý thông tin trên không gian mạng, tạo ra sức hấp dẫn riêng của cuộc thi. Riêng số lượng ngân hàng câu hỏi ở tuần thi thứ 4 lên đến 430 câu hỏi/trả lời, cao gấp 4 lần so với trung bình số lượng câu hỏi/trả lời của 3 tuần thi trước đó và có sự phân hóa cao. Việc tổ chức thành công cuộc thi đã trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng cần thiết để an tâm, tự tin bước vào không gian số, tránh hệ lụy xấu.
Lan tỏa giá trị công dân số
Công dân số là người được trang bị đầy đủ năng lực số để sống giữa môi trường số hóa toàn diện. Và họ trở thành mắt xích quan trọng, yếu tố then chốt xây dựng thành công xã hội số, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xuyên suốt của tỉnh về CĐS trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Từ đây, Cuộc thi tìm hiểu về CĐS năm 2024 với chủ đề “Xây dựng công dân số tỉnh Hà Giang” đã tạo “cú hích”, hành trang quý trong chiến lược xây dựng công dân số.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh tích cực tham gia Cuộc thi chuyển đổi số. Ảnh: Hồng Cừ |
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cuộc thi thu hút trên 133.000 người tham gia với số lượt dự thi lên đến gần 269.500 lượt; hơn 26.800 người trong số đó trả lời đúng tất cả các câu hỏi. Nhiều địa phương có số lượng người dự thi lớn, chất lượng bài thi từng bước được nâng lên. Tiêu biểu như huyện Vị Xuyên giành ngôi vị “quán quân” 2 tuần thi đầu tiên với thời điểm cao nhất là 4.373 người dự thi. Sang tuần 3, 4, huyện Mèo Vạc có số lượng người dự thi cao nhất là 6.106 người và có 3 giải thưởng (Nhì, Ba, Khuyến khích), trở thành địa phương giành nhiều giải thưởng nhất. Riêng về điểm số, Đảng bộ Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh và Công an tỉnh giữ vững thành tích về chất lượng với số điểm trung bình cao nhất toàn tỉnh (8,8 điểm); số điểm trung bình kết quả thi toàn tỉnh là 8,16 điểm.
Qua 4 tuần thi, có 2 cá nhân xuất sắc giành 3 giải thưởng của cuộc thi. Đó là anh Lưu Văn Nam (Bưu điện huyện Bắc Quang), giành giải Ba tuần thi thứ nhất và thứ 3, xuất sắc giành giải Nhất tuần thi thứ 2. Còn chị Đặng Thị Huyên (Trung tâm Y tế Vị Xuyên) liên tiếp giành giải thưởng từ tuần thi thứ 2 đến tuần cuối cuộc thi. Chị Huyên chia sẻ: “Khi biết tin mình giành giải Khuyến khích ở tuần thứ 2, bản thân tôi vỡ òa niềm vui vì thấy công sức nghiên cứu tài liệu, thức đêm làm bài thi đã có kết quả. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, giành giải Ba ở tuần thi thứ 3 và giải Nhất ở tuần thi cuối cùng”. Chị Huyên cũng động viên chồng và đồng nghiệp tích cực tham gia cuộc thi. Trong đó, anh Bùi Công Thành, Văn phòng Đảng ủy xã Linh Hồ (Vị Xuyên) – chồng chị Huyên giành giải Ba và giải Nhì trong 2 tuần thi cuối. Anh Nam cho biết: “Đây là sân chơi bổ ích, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về CĐS, đưa CĐS đến gần hơn với người dân. Riêng với bản thân tôi, hiện đang là nhân viên phụ trách hỗ trợ lực lượng Công an cấp đổi thẻ căn cước công dân. Từ cuộc thi, giúp tôi có thêm kiến thức để thông qua công việc của mình tuyên truyền đến người dân cách đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, tránh kẻ xấu lợi dụng khi đi làm căn cước công dân”.
Đánh giá thêm về kết quả cuộc thi, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Thái Hòa cho biết: Chất lượng bài thi của từng khu vực trong tỉnh đã phản ánh phần nào nhận thức của công dân về CĐS nói chung, xây dựng công dân số nói riêng. Trên cơ sở đó, ngành tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông, tập huấn theo phương thức “cầm tay chỉ việc” để hướng dẫn kỹ năng số cơ bản, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân khi tham gia các hoạt động trên môi trường số. Đồng thời, phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng nhằm tạo hành trang xây dựng công dân số, tiến tới xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược CĐS của tỉnh.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc