Sự sáng tạo từ dự án AI của học sinh trường THPT Việt Vinh

17:43, 05/06/2024

BHG - Trong cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc gia được tổ chức từ ngày 20 đến ngày 22.3.2024 tại Bắc Giang, 2 học sinh trường THPT Việt Vinh, Bắc Quang đã xuất sắc giành giải tư với dự án “Sử dụng công nghệ AI trong nhận dạng, cảnh báo chống gù và hạn chế các vấn đề về mắt ở trẻ khi ngồi trước màn hình”.

Niềm vui và sự tự hào

Gặp 2 em Ngô Hoàng Anh và Trần Khánh Linh, học sinh lớp 12C2, trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang khi các em vừa trở về từ cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024 được tổ chức tại Bắc Giang. Nhiều ngày đã trôi qua nhưng dư âm đẹp và những cảm xúc vui sướng, tự hào vẫn nguyên vẹn trên 2 khuôn mặt ấy.

Dự án “Sử dụng công nghệ AI trong nhận dạng, cảnh báo chống gù và hạn chế các vấn đề về mắt ở trẻ khi ngồi trước màn hình” của 2 em, thuộc lĩnh vực Hệ thống nhúng đã đạt giải tư cấp quốc gia trong tổng số 27 giải tư ở nhiều lĩnh vực. Đây là niềm vui, sự tự hào của các cá nhân và cũng là niềm vinh dự lớn của trường THPT Việt Vinh khi đây là năm tiếp theo, nhà trường tiếp tục có dự án đạt giải trong một sân chơi lớn, cấp quốc gia.
Em Trần Khánh Linh và Ngô Hoàng Anh cùng cô giáo Ninh Thị Bích Diệp tại cuộc thi KHKT quốc gia
Em Trần Khánh Linh và Ngô Hoàng Anh cùng cô giáo Ninh Thị Bích Diệp tại cuộc thi KHKT quốc gia

Để có được thành tích tự hào đó, 2 em đã phải nỗ lực, mày mò với sự hỗ trợ, động viên sát sao, thường xuyên về cả vật chất và tinh thần của nhà trường, gia đình và cô giáo hướng dẫn. Theo cô giáo Ninh Thị Bích Diệp, người đồng hành cùng các em từ khi ý tưởng cho dự án được hình thành đến khi hoàn thiện dự thi đạt giải nhất cấp tỉnh; sau đó tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thi cấp quốc gia và đạt giải như vậy đều là sự cố gắng, đam mê và cả quyết tâm của các em, đến cô giáo cũng phải nể phục. Đối với cả Hoàng Anh và Linh, mỗi em đều phát huy hết sức thế mạnh của mình về công nghệ thông tin và lĩnh vực kỹ thuật để tìm tòi, mày mò, đưa sản phẩm có nhiều tính năng, ứng dụng cao, đạt được ý nghĩa, mục tiêu đề ra...

Ý tưởng sáng tạo từ vấn đề thực tế

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng dự án “Sử dụng công nghệ AI trong nhận dạng, cảnh báo chống gù và hạn chế các vấn đề về mắt ở trẻ khi ngồi trước màn hình”, em Trần Khánh Linh cho biết: Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng lưới internet, chúng em nhận thấy rằng trẻ em ngày nay đang được tiếp xúc rất sớm với các thiết bị điện tử để phục vụ cho các hoạt động giải trí và vui chơi. Tuy nhiên, các em còn bé và vẫn chưa thể kiểm soát được thời gian cũng như giữ một khoảng cách đúng trước các màn hình điện tử, nếu như vắng bố mẹ thì gần như trẻ không thể nhớ được những vấn đề cần làm đó. Nhìn ra vấn đề cấp thiết ngay trước mắt, chúng em đã nảy sinh ra ý tưởng thiết kế một sản phẩm hoạt động như một “bảo mẫu” luôn giám sát và theo dõi trẻ nhỏ khi sử dụng các thiết bị tivi, máy tính,… và từ đó sản phẩm được chúng em thảo luận và đưa vào hoàn thiện. Trong quá trình sáng tạo, chúng em nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cô Diệp - cô giáo hướng dẫn của chúng em, ngoài ra chúng em còn nhận được sự hỗ trợ của các thầy cô giáo có chuyên môn từ trường Đại học để góp ý giúp cho sản phẩm của chúng em có thể tiến đến bước hoàn thiện. Quá trình để hoàn thiện sản phẩm có rất nhiều kỉ niệm đối với chúng em. Lần đầu tiên mà chúng em đưa ra được một sản phẩm nào đó có ích đối với đời sống xã hội, chúng em học được rất nhiều thứ mới, điều mới. Đặc biệt là sản phẩm của chúng em được dự thi cuộc thi cấp Quốc gia, tấm vé đó đã cho chúng em khám phá được rất nhiều thứ mới xung quanh, được đối đầu với những sản phẩm của tỉnh bạn và giành được một giải thưởng trong đó, thật sự đã để lại rất nhiều ấn tượng và kỉ niệm với chúng em.

Hai em thuyết trình về dự án “Sử dụng công nghệ AI trong nhận dạng, cảnh báo chống gù và hạn chế các vấn đề về mắt ở trẻ khi ngồi trước màn hình”
Hai em thuyết trình về dự án “Sử dụng công nghệ AI trong nhận dạng, cảnh báo chống gù và hạn chế các vấn đề về mắt ở trẻ khi ngồi trước màn hình”

Từ niềm say mê sáng tạo, vận dụng kiến thức được học áp dụng vào thực tiễn, kết hợp với sự hướng dẫn tận tâm của cô giáo Ninh Thị Bích Diệp, sau nhiều tháng hình thành và triển khai ý tưởng, dự án “Sử dụng công nghệ AI trong nhận dạng, cảnh báo chống gù và hạn chế các vấn đề về mắt ở trẻ khi ngồi trước màn hình” được hoàn thiện. Hệ thống này gồm các bộ phận: Camera nhận dạng và đo khoảng cách, cloud AI, App nhắn tin telegram, bộ xử lý trung tâm, công tắc thông minh. Chia sẻ về cơ chế hoạt động của hệ thống em Ngô Hoàng Anh cho biết: Khi người xem đến quá gần trong khoảng cách gây hại thì loa sẽ phát giọng cảnh báo, đồng thời sẽ chụp lại ảnh và gửi đến tài khoản telegram của phụ huynh. Đến khi cảnh báo quá số lần cho phép sẽ tắt tivi. Khi các trẻ nhỏ vẫn xem tivi ở cự ly gần phụ huynh có thể gửi đoạn ghi âm nhắc nhở hoặc đoạn tin nhắn thiết bị cũng sẽ chuyển đổi tin nhắn thành giọng nói nhắc nhở. Thiết bị sẽ kết hợp thêm tính năng nhận dạng khung xương khi các con ngồi học bài và sử dụng máy tính để cảnh báo ngồi sai tư thế.

Trong quá trình thực hiện dự án dù gặp nhiều khó khăn nhưng các em vẫn nghiêm túc thực hiện. Cô giáo Ninh Thị Bích Diệp, giáo viên bộ môn sinh học người hướng dẫn trực tiếp dự án chia sẻ:  Đây là dự án mới tiếp cận theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI mà hiện nay gần như chưa 1 dự án nào đề cập tới. Với hàm lượng khoa học cao, có sự kết hợp của rất nhiều các môn khoa học khác nhau nên tôi phải tìm kiếm tài liệu và trao đổi với các đồng nghiệp cùng các em học sinhrất nhiều để đưa ra phương án tối ưu nhất. Có những thời điểm, một công đoạn trong sản phẩm phải làm đi làm lại mà không thành công, cả thầy và trò mệt mỏi, muốn dừng lại. Nhưng rồi, các em lại là người đam mê, quyết tâm hơn cả, lên mạng tìm hiểu, tra cứu từ nhiều nguồn thông tin, sản phẩm, dần dần khắc phục được những nhược điểm để hoàn thiện.

Dự án này không chỉ là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực công nghệ thông tin và y tế, mà còn là minh chứng cho sức sáng tạo và khả năng ứng dụng kiến thức của các em học sinh trẻ. Đồng thời, nó cũng mở ra triển vọng rộng lớn trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực khác nhau trong tương lai.

MAI ÁNH

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Máy bay không người lái, phương án cần tiếp cận cho cứu hộ, cứu nạn và đời sống
BHG - Những năm qua, ở nhiều nơi máy bay không người lái (drone) đã được ứng dụng vào đời sống. Đây là một công nghệ không mới ở Việt Nam, nhưng ở tỉnh ta, mức độ khai thác, sử dụng loại phương tiện này chưa nhiều. Việc sử dụng thiết bị drone chủ yếu từ phía người dân phục vụ cho việc chụp ảnh, quay video cá nhân. Vì thế, drone chưa được khai thác tốt để phục vụ cho các hoạt động khác, trong đó có tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống thiên tai và đời sống sản xuất.
28/05/2024
Diễn tập thực chiến về an ninh, an toàn mạng
BHG - Sáng 27.5, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty An ninh mạng Viettel tổ chức khai mạc Diễn tập thực chiến về an ninh, an toàn mạng năm 2024. Tham dự có 80 cán bộ quản lý, công chức, viên chức quản lý công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
27/05/2024
Hỗ trợ các cơ sở kinh doanh chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
BHG - Trong năm 2024, Tổng cục Thuế yêu cầu lãnh đạo các Cục Thuế, Chi cục Thuế chỉ đạo quyết liệt việc mở rộng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền.
27/04/2024
Yên Minh phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số
BHG - Hạ tầng số là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số. Xác định rõ vai trò quan trọng đó, huyện Yên Minh đang nỗ lực phát triển, đảm bảo tốt hạ tầng số để chuyển đổi số (CĐS), nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
26/04/2024