Khơi thông “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06
BHG - Nhận diện 5 “điểm nghẽn” làm chậm lộ trình triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để khơi thông “điểm nghẽn”.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6.1.2022. Đây là hợp phần quan trọng trong tổng thể chương trình CĐS quốc gia; là đề án tiền đề mang tính đột phá thông qua việc lấy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm nền tảng cốt lõi, cơ bản để thúc đẩy Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, KT-XH số. Việc triển khai hiệu quả Đề án 06 quyết định sự thành công của Chương trình CĐS quốc gia.
Cán bộ bộ phận “một cửa” xã Tân Quang (Bắc Quang) hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số “điểm nghẽn” liên quan đến 5 nhóm vấn đề về pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực, ảnh hưởng đến lộ trình triển khai Đề án 06. Trong đó, còn tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt” và “co cụm dữ liệu”; “tắc nghẽn” trong quá trình tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân, doanh nghiệp; chưa có cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT… Từ thực tiễn trên, ngày 23.5.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn 452 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ 5 “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 với 23 nhóm nhiệm vụ (8 nhiệm vụ chung, 15 nhiệm vụ cụ thể thuộc trách nhiệm của 6 bộ, ngành).
Ngay sau khi Công văn 452 được ban hành, tỉnh ta đã quyết liệt hành động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng phương châm: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” và “Vướng mắc ở đâu giải quyết dứt điểm ở đó”. Với tinh thần khẩn trương khắc phục “điểm nghẽn”, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp về Đề án 06, DVCTT, các tiện ích trên ứng dụng VNeID (định danh điện tử), chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chế độ an sinh xã hội... nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Từng bước chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có.
Đặc biệt, ngày 15.5.2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện Đề án 06 trên phạm vi toàn tỉnh với các chỉ tiêu thi đua đồng bộ với mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ của Đề án 06. Qua đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo động lực trong toàn xã hội tích cực tham gia hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06, góp phần thực hiện thành công chương trình CĐS quốc gia nói chung và chiến lược CĐS trên địa bàn tỉnh nói riêng. Ấn tượng hơn, việc thực hiện các chỉ tiêu của Đề án 06 đã trở thành một trong những chỉ tiêu để đánh giá, phân loại thi đua hàng năm của tập thể, người đứng đầu các cấp, ngành trong toàn tỉnh.
Quyết liệt khơi thông “điểm nghẽn”
Năm 2023 và quý I.2024, tỉnh ta đã ưu tiên bố trí nguồn vốn hơn 97,2 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 và chương trình CĐS. Rà soát nhu cầu thực tiễn, xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ gắn với yêu cầu CĐS bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Hơn nữa, để hoàn thiện thể chế, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 6 nghị quyết về giảm phí, lệ phí cung cấp DVCTT; ban hành 5/9 TTHC theo thẩm quyền liên quan đến DVCTT và 112 quyết định chuẩn hóa TTHC, công bố danh mục TTHC. 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ DVCTT đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đạt trên 90%...
Giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh ta đã chú trọng đầu tư các hệ thống thông tin cần thiết và chuyên ngành phục vụ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Đề án 06; triển khai nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật Trung tâm dữ liệu của tỉnh theo hướng điện toán đám mây; tích hợp SSO (đăng nhập một lần duy nhất) đăng nhập bằng VNeID trên Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh và đề nghị kết nối IOC (Trung tâm điều hành thông minh) với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Riêng công tác xây dựng, cập nhật, làm sạch dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối, chia sẻ được đẩy mạnh, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Đến nay, toàn tỉnh có 16 hệ thống thông tin và 1.500 dữ liệu được chia sẻ trong nội bộ cơ quan tỉnh. Nhiều ứng dụng, tiện ích của Đề án 06 phục vụ công tác phát triển KT-XH được triển khai hiệu quả như sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh (riêng tháng 5.2024 đạt trên 94%)...
Để tiếp tục thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất, hiệu quả và bền vững, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư quan tâm, đầu tư giúp Hà Giang hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông; bởi hiện nay, toàn tỉnh còn 27 thôn “trắng sóng”, 103 thôn chưa có điện lưới quốc gia. Cùng với đó, có chủ trương đầu tư, trang bị cho người dân vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn các thiết bị smartphone để tiếp cận, làm quen với công nghệ thông tin, internet, tạo thuận lợi trong thực hiện các DVCTT và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, phát triển các hệ thống, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin với giao diện trực quan, tối giản để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng nhất…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc