Đổi mới quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương bằng chuyển đổi số
BHG - Nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hà Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông sản gắn với chuyển đổi số”, trưng bày 24 gian hàng đến từ 11 huyện, thành phố với đa dạng sản phẩm nông sản chất lượng, tiêu biểu, đặc trưng cho từng địa phương.
Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông sản gắn với chuyển đổi số” diễn ra vào ngày 10.8 tại sân Công viên Cây xanh đối diện Quảng trường 26.3, quy tụ 24 đội thi đến từ tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Các đội đã tham gia 2 phần thi: Trưng bày sản phẩm và thuyết trình về tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhấn mạnh tới vai trò và ứng dụng chuyển đổi số. Đây cũng là điểm mới của hội thi lần này.
Hợp tác xã Ngọc Sơn (huyện Bắc Mê) giới thiệu sản phẩm Tinh bột nghệ |
Tại hội thi, các địa phương, hợp tác xã đã trưng bày, giới thiệu không chỉ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên địa bàn, mà còn có sản phẩm mang tính văn hóa truyền thống của dân tộc. Nổi bật có thể kể đến như trà xanh của huyện Hoàng Su Phì, tinh bột nghệ của huyện Bắc Mê, gạo Khẩu Mang của huyện Mèo Vạc hay thú bông, đồ lưu niệm sặc sỡ làm từ vải lanh của huyện Quản Bạ... 100% gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu đạt tiêu chuẩn OCOP, hữu cơ, VietGAP, ORGANIC... có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là nhãn điện tử thể hiện qua mã QR, mã số, mã vạch có gắn trực tiếp trên bao bì sản phẩm. Ngoài những thông tin về thành phần, công dụng, hạn dùng in trên vỏ ngoài, khách hàng có thể quét mã QR để truy cập đường dẫn về thông chi tiết, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Từ đó hiểu rõ sản phẩm và tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp, mã QR lại giúp hạn chế được tình trạng giả mạo thương hiệu và tạo thuận lợi cho công tác bán hàng.
Anh Mạc Văn Minh, chủ nhiệm Hợp tác xã Nam dược Mạc Minh (xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Sản phẩm chủ đạo của hợp tác xã tôi là Kháu Vài Lèng – 1 bài thuốc Đông y gia truyền, nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng niềm tin với khách hàng khi trên thị trường có nhiều sản phẩm “cộp mác” dược liệu nhưng kém chất lượng, không hiệu quả. Từ khi triển khai nhãn điện tử, mã QR, khách hàng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tìm hiểu sản phẩm và tin tưởng ở chúng tôi, lượng tiêu thụ sản phẩm cũng theo đó mà tăng lên”.
Chị Vũ Minh Ngọc, khách tham quan đến từ huyện Vị Xuyên chia sẻ: “Đối với những sản phẩm dùng cho gia đình, đặc biệt là thực phẩm, tôi có yêu cầu cao về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ ngày áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR trên các sản phẩm, tôi có thể dễ dàng kiểm tra điều đó chỉ với chiếc điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi. Do đó, tôi hình thành thói quen quét mã QR trên bao bì để tìm ra những sản phẩm chất lượng, chính hãng được cấp chứng nhận tin dùng cho gia đình”.
Gian hàng của Hợp tác xã Po Mỷ (huyện Đồng Văn), các sản phầm đều có mã QR. |
Ngoài những mã QR trên bao bì có tác dụng thông tin cho sản phẩm, một số gian hàng còn có những mã QR dẫn tới các trang thương mại điện tử, những gian hàng online của cơ sở như Hợp tác xã Po Mỷ, huyện Đồng Văn hay sàn thương mại điện tử dacsanhagiang.net quản lý bởi Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương tỉnh...
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương cho biết: “Sàn thương mại điện tử Hà Giang được thành lập năm 2019. Đến nay, đã có hơn 510 tài khoản được tạo, 23 website kết nối và 295 sản phẩm được đưa lên sàn; nhận được 322 đơn hàng đăng ký mua các sản phẩm tiêu biểu. Về phía các cơ sở sản xuất, nông dân, trung tâm đã hỗ trợ mở gian hàng, đưa tất cả các sản phẩm tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn tỉnh lên sàn, hỗ trợ chụp ảnh, lấy thông tin giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin liên quan, thay đổi hình ảnh, đăng sản phẩm, giá cả hàng hoá … của các gian hàng được mở trên sàn”.
Nhờ những nỗ lực trên, từ đầu năm 2022 đến nay có hơn 1.684 sản phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử phổ biến khác như: Postmart, Voso, Sendo, Shopee ... với hơn 2.550 đơn giao hàng thành công đến khách hàng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, vẫn còn những cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương thức truyền thống với các điểm tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm hàng hóa cố định, chưa đầu tư cho việc lập, duy trì và vận hành website thương mại điện tử, chưa thực sự quan tâm đến giao dịch kinh doanh trên sàn thương mại điện tử do còn yếu về nguồn nhân lực quản lí, chưa nắm bắt chủ trương và ứng dụng chuyển đổi số.
Như vậy, hiệu quả của ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương là rất quan trọng tuy vẫn còn nhiều thách thức. Các cơ quan chức năng, cấp uỷ chính quyền, Hội Nông dân các cấp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã cần chung tay, phổ biến ứng dụng chuyển đổi số giúp nông sản địa phương vươn xa hơn, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mà Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông sản gắn với chuyển đổi số” là một trong những nỗ lực đó.
Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT
Ý kiến bạn đọc