Chợ truyền thống thích ứng với xu thế hiện đại
BHG - Trước sự bùng nổ của mạng lưới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng các loại hình thương mại điện tử những năm gần đây khiến cho hình ảnh của những khu chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Giang đang dần bị mờ nhạt. Tuy nhiên, có thể khẳng định, chợ truyền thống vẫn luôn có vị trí nhất định trong đời sống xã hội. Hiện, các tiểu thương cũng đang từng bước thay đổi để phù hợp với xu hướng mua sắm hiện đại.
Các tiểu thương tạo tài khoản ngân hàng và mã QR code thuận tiện cho người tiêu dùng khi mua hàng. |
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn thành phố Hà Giang hiện có 7 chợ đang hoạt động ổn định ở trung tâm và một số xã lân cận. Nhận thức rõ vai trò của chợ truyền thống trong việc phân phối, bán lẻ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, thời gian qua, thành phố Hà Giang tăng cường huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các chợ. Nhờ đó, các chợ đã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố với những quầy hàng đảm bảo diện tích, sạch sẽ. Các chợ đều thành lập Ban quản lý, tổ quản lý thực hiện giám sát hoạt động mua, bán, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, an ninh công cộng. Đặc biệt, các tiểu thương tại các chợ cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo hướng hiện đại, phát triển đa dạng các mẫu mã, thích ứng với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Từ xa xưa, chợ truyền thống có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân dễ dàng mua thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng, mang lại việc làm thu nhập tốt cho nhiều hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, các chợ truyền thống đều bị cạnh tranh bởi những siêu thị tiện lợi. Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, Chợ Trung tâm thành phố Hà Giang luôn là địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dân trên địa bàn và khu vực lân cận. Chợ có vị trí thuận tiện, quy mô hiện đại, khang trang. Mặc dù vậy, trước sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng, nhu cầu mua sắm của người dân, việc kinh doanh của nhiều tiểu thương ở chợ Trung tâm vẫn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt khi những năm trở lại đây, sự bùng nổ của mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm, thêm vào đó, dịch vụ mua sắm online ngày càng nhiều khiến sức mua tại đây sụt giảm, nhất là từ sau đợt dịch Covid-19 xảy ra. Qua khảo sát tại các chợ, nhiều tiểu thương đều cho biết tình trạng buôn bán giảm mạnh, nhất là tại các quầy hàng thời trang, phụ kiện quần áo, giày dép, ba lô, túi xách... “Có những ngày chúng tôi không có khách, sáng xếp hàng ra, chiều dọn hàng vào mà không bán được gì, chợ thưa thớt, vắng bóng người mua.” Chị Vân Anh, chủ sạp hàng quần áo trẻ em chia sẻ.
Trước tình trạng hoạt động kinh doanh tại các chợ bị sụt giảm nghiêm trọng, các tiểu thương đã tự có nhiều cách để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa phù hợp với xu thế hiện đại, tìm cách điều chỉnh cách thức bán hàng để có thể tạo lợi thế cạnh tranh. “Tôi đã nhập đa dạng mẫu mã hơn, đủ các loại hàng từ đắt tới rẻ, bình dân lẫn cao cấp để phục vụ được tất cả nhu cầu mua sắm của khách hàng. Ngoài ra, bên cạnh bán trực tiếp tại cửa hàng trong chợ, tôi còn mở rộng quảng cáo sản phẩm, đăng bán trên nhiều kênh mạng xã hội như face book, zalo, thực hiện kinh doanh song song 2 hình thức là bán trực tiếp tại sạp hàng và bán online để tăng tính cạnh tranh với các cửa hàng giầy dép khác.” Chị Thùy, chủ cửa hàng giầy dép tại chợ Trung tâm cho biết.
Đặc biệt, đáp ứng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng, một số tiểu thương đã nhanh chóng bắt nhịp, tạo tài khoản ngân hàng và tạo các mã QR giúp người tiêu dùng thanh toán nhanh chóng, tiện lợi. “Trước đây, khi mua sắm tại chợ, tôi đều phải sử dụng tiền mặt để thanh toán vì vậy nhiều khi vội quên mang theo tiền sẽ khá là bất tiện. Tuy nhiên, đến nay, các chủ sạp hàng, từ hàng bán rau, bán đồ khô, bán thực phẩm… đều đã sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc mã QR code rất thuận tiện cho khách thanh toán.” Chị Hoàng Thị Ngân, Tổ 4, phường Minh Khai cho biết.
Có thể thấy rõ, trước sự bùng nổ của các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị, đến nay, chợ truyền thống vẫn là nơi trao đổi, mua, bán hàng hóa của đại bộ phận người dân trên địa bàn thành phố bởi thói quen mua sắm từ lâu đời. Tuy nhiên, để các chợ truyền thống cạnh tranh với các siêu thị cần được phát triển hạ tầng, hiện đại hóa, đa dạng hóa loại hình kinh doanh, đa dạng hóa các mặt hàng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quản lý trật tự kinh doanh; thường xuyên kiểm tra giá cả, hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền, lợi ích cho người tiêu dùng. Với sự đổi thay về diện mạo, chất lượng sản phẩm và sự năng động, nhạy bén của người kinh doanh, chợ truyền thống đang nỗ lực tìm lại chỗ đứng trong cuộc cạnh tranh bán lẻ trên thị trường.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc