Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học và liên thông dữ liệu
BHG - Chuyển đổi số (CĐS) đang là cuộc cách mạng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đột phá phát triển. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), để thực hiện CĐS thành công quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu (CSDL) và liên thông dữ liệu.
Những năm qua, hoạt động phát triển KH&CN của tỉnh có những chuyển biến tích cực: Tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh đạt khoảng 8%, khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ được nâng lên. Giai đoạn 2012-2020, UBND tỉnh thực hiện 233 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN, trong đó có 21 nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ; 105 nhiệm vụ cấp tỉnh và 107 nhiệm vụ cấp cơ sở. Năm 2022, ngành KH&CN quản lý 50 đề tài, dự án cấp bộ, tỉnh và cơ sở đang thực hiện trên địa bàn; tổ chức thẩm định 14 nhiệm vụ, nghiệm thu 14 nhiệm vụ, đạt 100% kế hoạch... Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đời sống, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 8 sản phẩm được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý; 17 nhãn hiệu chứng nhận; 13 nhãn hiệu tập thể; 153 nhãn hiệu độc quyền và 2 kiểu dáng công nghiệp. Đáng chú ý, những sản phẩm đặc trưng của Hà Giang như: Mật ong Bạc hà, cam Sành, chè Shan tuyết, Hồng không hạt Quản Bạ, Thảo quả, bò Vàng, cá Bỗng, gạo Già dui... với sự hỗ trợ của công nghệ đã nâng cao chất lượng, tạo dựng được thương hiệu đối với thị trường trong và ngoài nước, giúp tăng thu nhập bền vững, giảm nghèo cho người dân.
Giám đốc Sở KH&CN Phan Đăng Đông nhấn mạnh: Thông tin KH&CN là nguồn lực đầu vào quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đóng góp của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh, một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KH&CN, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, nguồn thông tin, dữ liệu về KH&CN của tỉnh còn phân tán, chưa đồng bộ, không thống nhất, chưa phát huy được khả năng kết nối, liên thông và tích hợp.
Trước thực trạng phát triển KH&CN của tỉnh, năm 2020, Sở KH&CN đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang” để thuận tiện cho việc quản lý, chia sẻ thông tin giữa các cấp, ngành và người dân, cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin hoạt động KH&CN nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN trong phát triển KT-XH, làm nền tảng thực hiện CĐS, xây dựng chính quyền số và nền kinh tế số của tỉnh. Góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành KH&CN cũng như trong phát triển KT-XH chung của tỉnh trong hiện tại và tương lai.
Đề tài hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống CSDL và hệ thống phần mềm đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin KH&CN như: Hệ thống văn bản; các nhiệm vụ KH&CN; an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, công nghệ đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, quản lý KH&CN cấp huyện, tiềm lực khoa học công nghệ; xây dựng Cổng thông tin và hệ thống các module chức năng phần mềm đáp ứng tối đa yêu cầu cập nhật, hiệu chỉnh, xóa, thống kê, chia sẻ thông tin từ các CSDL KH&CN; nâng cao được khả năng tiếp cận và ứng dụng KH&CN của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng người dân trên địa bàn tỉnh…
Sau 2 năm thực hiện, Đề tài đã điều tra, thu thập được cơ bản số liệu, tài liệu và quy trình làm việc của ngành KH&CN của tỉnh giai đoạn 2020 – 2022; xây dựng được 12 CSDL hoàn chỉnh thuộc các lĩnh vực hoạt động của ngành KH&CN và đưa vào khai thác online, phục vụ công tác quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh; nâng cấp Cổng thông tin điện tử Sở KH&CN (http://skhcn.hagiang.gov.vn/) và bổ sung hệ thống các module phần mềm online với 73 nội dung có đầy đủ các chức năng, phục vụ tốt công tác quản lý và khai thác thông tin KH&CN trên địa tỉnh của các đơn vị trực thuộc Sở và cơ quan liên quan; xây dựng Quy chế quản lý vận hành hệ thống CSDL ngành KH&CN. Đồng thời tổ chức được 1 hội thảo khoa học, 4 lớp đào tạo tập huấn quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống CSDL ngành KH&CN tỉnh. Toàn bộ nội dung mục tiêu và sản phẩm của Đề tài đã hoàn thiện 100% và vượt trội so dự kiến ban đầu.
Giám đốc Sở KH&CN Phan Đăng Đông khẳng định: Kết quả thực hiện Đề tài đã tạo ra một hệ thống thông tin hiện đại và thông minh, toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được cập nhật trên hệ thống giúp người quản lý và người sử dụng dịch vụ hành chính thuận lợi, giảm thủ tục, hồ sơ giấy trong các thủ tục hành chính, tránh trùng lặp. Đây vừa là kỳ vọng vừa là nỗ lực, quyết tâm lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc CĐS của ngành KH&CN.
Lương Hà
Ý kiến bạn đọc