Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh

17:42, 20/11/2022

BHG - Là Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) hạng 2 với 32 khoa, phòng chức năng, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 lượt người bệnh đến khám và khoảng 100 lượt người điều trị nội trú. Để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua BVĐKKV Bắc Quang đã chủ động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vào quản lý KCB.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang tư vấn trực tuyến với người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang tư vấn trực tuyến với người bệnh.

Đến nay, 100% các khoa, phòng của bệnh viện đều được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet. Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) kết nối liên hoàn, đồng bộ các trang thiết bị trên tất cả các khâu: Tiếp nhận, quản lý bệnh nhân nội trú, ngoại trú, quản lý xét nghiệm, hỗ trợ quyết định y khoa, quản lý dược, tài chính kế toán... Bệnh viện đã lắp, cài đặt và đưa vào và sử dụng hiệu quả nhiều phần mềm ứng dụng như: Hệ thống phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (HIS); quản lý xét nghiệm (LIS); hệ thống phần mềm chẩn đoán hình ảnh PACS; quản lý hóa đơn điện tử và thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT); hệ thống báo cáo liên thông cơ quan BHYT, Sở Y tế, các cơ quan liên ngành, hệ thống đơn thuốc điện tử quốc gia …

Với nền tảng hạ tầng CNTT và các trang thiết bị y tế, bệnh viện đã thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, thảo luận ca bệnh với bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhờ đó nhiều ca bệnh khó, bệnh lý phức tạp đã được chẩn đoán, điều trị kịp thời với sự hỗ trợ của các chuyên gia tuyến Trung ương. Giúp người bệnh không phải chuyển tuyến, được điều trị ngay tại tuyến huyện.

Bệnh nhân Hoàng Văn M. 13 tuổi, ở thị trấn Việt Quang, vào viện với triệu chứng khó chịu, đau chướng bụng. Sau khi hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát hiện bị ung thư tụy. Với sự kết nối của bệnh viện, bệnh nhân được các chuyên gia bệnh viện tuyến Trung ương phẫu thuật và chuyển sang điều trị nội khoa ngay tại Hà Giang. Do được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên sức khỏe của cháu M. đã ổn định. Mẹ của bệnh nhân xúc động cho biết: Hiện cháu đã khỏe hơn nhiều, học tập, vui chơi bình thường. Cháu M. chỉ là một trong nhiều trường hợp người bệnh có bệnh lý phức tạp được phát hiện, điều trị kịp thời qua hội chẩn trực tuyến từ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong KCB tại BVĐKKV Bắc Quang.

Đồng thời qua các buổi hội chẩn với các bác sĩ bệnh viện tuyến trên đã tạo điều kiện để các bác sĩ học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Bác sĩ Giáp Mai Toản, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết: “Hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên giúp cho đội ngũ bác sĩ tuyến huyện nâng cao kiến thức, kỹ năng để chẩn đoán chính xác các trường hợp bệnh lý phức tạp. Từ kết quả chẩn đoán chính xác, các chuyên gia hỗ trợ, hướng dẫn để có phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh”.

Hiện, bệnh viện đã lắp đặt thiết bị kết nối với hệ thống HIS đăng ký KCB BHYT bằng thẻ Căn cước công dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến KCB. Tại các khoa, phòng đã triển khai chữ ký số, tích hợp và ký số trên bệnh án cho người bệnh. Hàng tuần tổ chức họp giao ban, tư vấn trực tuyến với người bệnh, tập huấn trực tuyến, hội chẩn và chẩn đoán trực tuyến với các bệnh viện tuyến trên… nâng cao hiệu quả KCB, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giúp quá trình quản lý được minh bạch, nhanh gọn, chính xác. Ngoài ra, với nền tảng Tele-Health, BVĐKKV Bắc Quang đã kết nối triển khai KCB từ xa đến các Phòng khám Đa khoa khu vực trên địa bàn huyện. Nhờ đó người bệnh từ các xã, các thôn bản được bác sĩ của bệnh viện tuyến huyện chẩn đoán, điều trị ngay tại phòng khám đa khoa tại tuyến xã, góp phần nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Phạm Mạnh Công, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Hướng tới mục tiêu xây dựng bệnh viện thông minh, BVĐKKV Bắc Quang sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT, trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho công chức, viên chức tại đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động KCB từ xa, hội chẩn trực tuyến với tuyến xã, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Tiến tới thực hiện bệnh án điện tử, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, ứng dụng chuyển đổi số nhằm từng bước nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Theo TTXVN, hãng tin Sputnik (Nga) dẫn báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company đưa tin Việt Nam có nền kinh tế số tăng trưởng vượt bậc, đạt 23 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.
30/10/2022
Agribank Yên Minh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
BHG - Trong cuộc sống hiện đại và cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay, cùng với dịch Covid – 19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) phát triển mạnh mẽ. Dù ở địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng Agribank Yên Minh cũng tích cực phát triển sản phẩm dịch vụ TTKDTM cho khách hàng.
29/10/2022
Lễ tổng kết trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học, công nghệ toàn quốc 2022

BHG - Tối 27.10  tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ KH&CN, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học, công nghệ toàn quốc 2021. Tới dự có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Về phía tỉnh Hà Giang có lãnh đạo Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh, đại diện HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, đơn vị có công trình, đề tài khoa học được nhận giải thưởng trong năm.

28/10/2022
Đẩy mạnh số hóa dịch vụ điện năng
BHG - Nhờ triển khai nhiều giải pháp số hóa dịch vụ điện năng, công tác dịch vụ khách hàng tại Công ty Điện lực (PC) Hà Giang đã từng bước được nâng cao. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng cung cấp điện năng mà còn gia tăng chất lượng các dịch vụ điện, giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc theo dõi, giám sát và tiếp cận các dịch vụ điện.
26/10/2022