Quang Bình đẩy mạnh chuyển đổi số
BHG - Nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin hiện đại, đồng bộ kết nối các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử một cách tổng thể, toàn diện, cung cấp dữ liệu đưa hoạt động các cấp chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin, cải tiến các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thực tế phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT – XH. Huyện Quang Bình huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số (CĐS).
Duy trì ứng dụng VNPT iOffice trong chỉ đạo và điều hành từ huyện đến cơ sở góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số. |
Tính đến nay 100% các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai lắp đặt Internet cáp quang để trao đổi công việc và tìm kiếm thông tin trên mạng; trang bị hệ thống máy tính cho cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu CĐS và làm việc trên môi trường mạng; toàn huyện có 121 trạm phát sóng di động, phục vụ nhu cầu của nhân dân, tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98%; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 98%; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%; duy trì ứng dụng VNPT iOffice trong chỉ đạo và điều hành từ huyện đến cơ sở; 100% cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số trong ban hành văn bản điện tử, thực thi công vụ; duy trì tốt các cuộc họp giao ban trực tuyến. Các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời hạn, phí và lệ phí ở mức độ 2, 3, 4; văn bản đi có ký số của các cơ quan chuyên môn trực thuộc từ huyện đến các xã, thị trấn đạt trên 98%. Tổ chức thành công cuộc thi trắc nghiệm về CĐS trên mạng Internet năm 2022 tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân với gần 900 lượt người tham gia; 15/15 xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo, 135/135 thôn, tổ dân phố thành lập tổ công nghệ số cộng đồng.
Công tác CĐS huyện Quang Bình đã có những kết quả khích lệ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy nhận thức về CĐS ở một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa có các quy định, cơ chế, chính sách cụ thể thúc đẩy CĐS; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đặc biệt một số máy tính, trang thiết bị cấp xã có cấu hình thấp, không đồng đều, ảnh hưởng đến công tác ứng dụng công nghệ thông tin; nhận thức của một số doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng, lợi ích của CĐS còn hạn chế, mức độ sẵn sàng CĐS của các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã chưa cao; các sản phẩm được chứng nhận OCOP và các sản phẩm đặc trưng của địa phương giới thiệu, đưa lên các sàn thương mại điện tử còn thấp so với các huyện trong tỉnh...
Đồng chí Chẳng Thị Liên Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban điều hành CĐS huyện Quang Bình, cho biết: Để khắc phục những khó khăn trên, huyện nâng cao năng lực hoạt động Ban Chỉ đạo, Ban điều hành CĐS của huyện; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhận thức kỹ năng, kiến thức về CĐS cho lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn, đoàn viên, thanh niên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông số trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, truyền cảm hứng, chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội về CĐS. Có cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; đầu tư mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, máy tính, mạng internet, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại mỗi cơ quan, đơn vị…
Bài, ảnh: HOÀNG TUYẾN
Ý kiến bạn đọc