Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số ở Xín Mần

16:42, 24/09/2022

BHG - Sau hơn 1 năm đẩy mạnh các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, công tác chuyển đổi số (CĐS) ở huyện Xín Mần đã có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nền chính quyền số, xã hội số và công dân số trên địa bàn.

Nông sản Xín Mần trên sàn giao dịch điện tử Autoagri.vn
Nông sản Xín Mần trên sàn giao dịch điện tử Autoagri.vn

Nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa của công tác CĐS trong cộng đồng dân cư và toàn xã hội, huyện Xín Mần phối hợp với Viettel Hà Giang ra mắt tổ CĐS cộng đồng tại thị trấn Cốc Pài. Đến nay, tất cả thôn, tổ dân phố của thị trấn đã thành lập các tổ CĐS cộng đồng. Với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, tạo tài khoản công dân trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đăng ký tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng các ứng dụng tư vấn, hỗ trợ khám, chữa bệnh trực tuyến. Tổ CĐS cộng đồng vận động các hộ kinh doanh, buôn bán, nhà hàng trên địa bàn đăng ký tài khoản ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, thị trấn Cốc Pài đã vận động được 243 hộ kinh doanh tự nguyện in mã QR code đặt tại quầy bán hàng để thuận tiện cho khách hàng quét mã thanh toán. Tuyên truyền và hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản công dân, tài khoản Viettel money cho hộ dân được 9/10 thôn, tổ dân phố, đạt trên 70% tổng số hộ. Qua sử dụng dịch vụ, người dân nhận thấy sự tiện ích trong giao dịch thanh toán phí và lệ phí, nhất là việc không sử dụng tiền mặt, góp phần trong việc xây dựng, thực hiện chính quyền điện tử. Không chỉ riêng thị trấn Cốc Pài, các xã trên địa bàn huyện đẩy mạnh vận động các hộ kinh doanh tự nguyện in mã QR code.

Tổ chuyển đổi số cộng đồng tổ dân phố 1, thị trấn Cốc Pài hướng dẫn hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tổ chuyển đổi số cộng đồng tổ dân phố 1, thị trấn Cốc Pài hướng dẫn hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Để triển khai có hiệu quả công tác CĐS, huyện Xín Mần chỉ đạo 18 xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Ban điều hành CĐS và 187 tổ CĐS cộng đồng với 1.060 thành viên. Phối hợp với Viettel Hà Giang triển khai, xây dựng hệ thống ngân hàng số ViettelPay thí điểm tại 5 xã: Trung Thịnh, Xín Mần, Nà Chì, Bản Ngò và thị trấn Cốc Pài. Phối hợp với VNPT Hà Giang triển khai cho lãnh đạo các cơ quan nhà nước và 18/18 xã, thị trấn sử dụng hệ thống tin nhắn SMS tích hợp trên VNPT-ioffice, để kịp thời nhắn tin, thông báo khẩn cấp trong việc lãnh, chỉ đạo về phòng, chống lụt bão, QP - AN, dịch bệnh, tuyên truyền và các thông báo từ chính quyền xã, thôn, nhà trường, ngành Điện đến với người dân. Triển khai ứng dụng toàn diện hình thức hóa đơn điện tử tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu địa phương trong lĩnh vực giáo dục, gồm: Trường, lớp, giáo viên, học sinh, lịch, kế hoạch, điểm số; áp dụng đầy đủ các ứng dụng trong gói tích hợp, đảm bảo áp dụng triệt để hình thức sổ sách điện tử, báo cáo trực tuyến; điểm số học sinh, lịch công tác, thời khóa biểu được công bố trên Website của các trường. 100% các trường học triển khai kênh điều hành nội bộ và giao tiếp giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

Ban điều hành CĐS huyện Xín Mần đẩy mạnh phát triển các nền tảng số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử; định danh người dân và xác thực điện tử; quản lý và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc nông sản; nền tảng phát thanh số. Trong đó, phối hợp với công ty Auto Agri triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn huyện thực hiện phần mềm quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi, sản phẩm nông sản địa phương. Hiện đã triển khai đến các HTX và hộ dân tham gia HTX sản xuất chế biến nông sản cập nhật trên phần mềm gồm 5 nhóm cây trồng chính có tiềm năng thế mạnh, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện như: Cây lương thực (Gạo Nếp Quảng Nguyên, gạo Già Dui Thèn Phàng, có 84 hộ); Mận hậu Nàn Ma có 19 hộ; Thảo quả Nấm Dẩn có 8 hộ dân; cây rau, củ ở xã Xín Mần có 14 hộ và cây chè của 2 doanh nghiệp, HTX chế biến sản phẩm trà Nà Chì và trà Chế Là với 64 hộ dân tham gia. Các hộ và HTX đã cập nhật đầy đủ thông tin về quá trình trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm phục vụ cho việc quản lý và truy xuất nguồn gốc bày bán trên các sàn giao dịch điện tử. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của địa phương trên Trang thông tin điện tử của huyện và môi trường mạng.

Với những nỗ lực và giải pháp cụ thể, công tác CĐS trên địa bàn huyện Xín Mần đã được các cấp, ngành thực hiện đúng lộ trình đề ra và bước đầu đạt những kết quả tích cực. Tính đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành điện tử VNPT-ioffice trong việc gửi nhận, trao đổi văn bản trên môi trường mạng. Bộ phận một cửa cấp huyện, xã thực hiện từ ngày 28.8.2021 đến 28.8.2022, tiếp nhận 48.489 hồ sơ thủ tục hành chính, hồ sơ trực tuyến 45.897/48.489 hồ sơ đạt 94,7%, hồ sơ trả đúng và trước hạn 47.474/48.040 hồ sơ đạt 98,8%.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về chuyển đổi số
BHG - Ngày 31.8, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tổ chức Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tổ chức họp cho ý kiến dự thảo thể lệ cuộc thi, kế hoạch tổ chức và thông qua quyết định thành lập các bộ phận tham mưu, giúp việc.
31/08/2022
Hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến thành công
Tối 28-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cập nhật thông tin về tình hình thanh toán lệ phí tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. Theo đó, tính đến 16h ngày 28-8, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí trực tuyến thành công. Hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời, không có tình trạng nghẽn hay quá tải. 
29/08/2022
Bắc Mê gỡ “điểm nghẽn”  trong chuyển đổi số
BHG - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số và Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, được xem là phương thức hữu hiệu nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC), điều hành của nhiều địa phương. Tuy nhiên tại Bắc Mê, khi triển khai đã gặp khó khăn và bất cập. Nhằm tháo gỡ, huyện đưa ra nhiều giải pháp để chuyển đổi số trở nên thiết thực, hiệu quả và phù hợp với địa phương.
27/08/2022
Quả ngọt từ sức trẻ mạnh dạn ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp
BHG - Sau hơn 5 năm khởi nghiệp, chàng trai Nguyễn Xuân Tiến, sinh năm 1991 nay đã trở thành chủ sở hữu của hơn 3.000 m2 nhà lưới trồng các loại dưa tại xã Phong Quang và Phương Tiến (Vị Xuyên). Có được kết quả này bởi Tiến đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đổi mới trong sản xuất với “Vườn dưa 4.0".
26/08/2022