Bắc Mê gỡ “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số
BHG - Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số và Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, được xem là phương thức hữu hiệu nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC), điều hành của nhiều địa phương. Tuy nhiên tại Bắc Mê, khi triển khai đã gặp khó khăn và bất cập. Nhằm tháo gỡ, huyện đưa ra nhiều giải pháp để chuyển đổi số trở nên thiết thực, hiệu quả và phù hợp với địa phương.
Lãnh đạo huyện Bắc Mê ký biên bản phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Viettel Hà Giang trong công tác chuyển đổi số. |
Từ những bất cập như: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) của một số cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức còn yếu; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cho việc triển khai ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có cấu hình thấp, không đồng đều; tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến tại cấp huyện, xã còn thấp, chưa phát sinh thanh toán phí, lệ phí điện tử… Sau 1 năm triển khai, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ cấp huyện đạt 6,96%, cấp xã 3,5%; tỷ lệ hồ sơ gửi trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đạt 14,4%, cấp xã 4,33%; hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến tiếp nhận được 285 TTHC mức độ 3 và 4 đạt 6,9%...
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ bộ phận một cửa thị trấn Yên Phú cập nhật dữ liệu lên Cổng dịch vụ công trực tuyến. |
Chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ Tư pháp tại Bộ phận một cửa thị trấn Yên Phú chia sẻ: “Hiện nay trên địa bàn thị trấn bước đầu đã đưa ứng dụng CNTT, đặc biệt là các phần mềm chuyển đổi số vào việc thực hiện CCHC. Tuy nhiên, với các phần mềm mới nên quá trình thực hiện phức tạp, bởi vậy bản thân cũng như các đồng nghiệp khác gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thao tác cũng như nhập dữ liệu. Bên cạnh đó, người dân chưa hiểu và tích cực tham gia trong việc chuyển đổi số, đặc biệt với các nội dung phải nộp phí. Từ khi triển khai đến nay tại bộ phận mới tiếp nhận một bộ hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến…”.
Đứng trước khó khăn và vướng mắc, huyện Bắc Mê đã đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” cụ thể: Thành lập Ban điều hành chuyển đổi số và ban hành quy chế hoạt động; kiện toàn lại các Tổ công tác chuyển đổi số và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel Hà Giang, Trung tâm Hành chính công tỉnh trong việc tập huấn, hướng dẫn, đồng hành cùng huyện trong chuyển đổi số; ban hành quy chế, quy định vận hành, khai thác và sử dụng các hệ thống thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia chuyển đổi số; phát động phong trào thi đua thực hiện chuyển đổi số huyện giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng mô hình chuyển đổi số tại 2 xã điểm là Phiêng Luông và thị trấn Yên Phú…
Từ những giải pháp ban đầu, chuyển đổi số tại huyện đã đạt được kết quả như: Thường xuyên duy trì 2 hệ thống quản lý văn bản điều hành, công tác quản trị với 7.425 tài khoản người dùng trên hệ thống của huyện. Tỷ lệ văn bản phát hành có ký số cấp huyện đạt 94%, các xã, thị trấn đạt 92%; tỷ lệ văn bản có ứng dụng chữ ký số cá nhân cấp huyện đạt 90%, xã, thị trấn đạt 88%; chữ ký số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị đạt 94%; 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp; 29 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử; 10 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu có mặt trên sàn thương mại điện tử; 101/139 thôn, tổ dân phố có loa truyền thanh internet...
Chuyển đổi số hiện đang diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương, lĩnh vực trong và ngoài tỉnh, nhằm bắt kịp và hòa mình cùng dòng chảy, huyện Bắc Mê tiếp tục cần có những giải pháp mạnh mẽ và triệt để nhằm tháo gỡ để hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết về chuyển đổi số của huyện trong giai đoạn 2021 – 2022, định hướng đến năm 2030, từ đó tạo nên những hiệu suất lớn về giá trị sản xuất.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc