Hiệu quả từ dự án cấp nước sạch trong các trường học
BHG - Là tỉnh vùng núi cao, biên giới với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhiều vùng núi cao khu vực phía Bắc, phía Tây của tỉnh còn thiếu đất, nước sản xuất, sinh hoạt. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, một số giải pháp cấp nước sinh hoạt cho nhân dân được đầu tư thông qua các chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hệ thống lọc nước sạch tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh. |
Kết quả giám sát độc lập chất lượng nước sinh hoạt năm 2021 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh thực hiện cho thấy: Đa số các mẫu nước kiểm tra đều có chỉ số vi khuẩn Coliforms vượt gấp 1,6 lần giới hạn cho phép, vi khuẩn E.coli vượt từ 1,05 đến 4,45 lần giới hạn cho phép (đây là những vi khuẩn, vi rút gây ra dịch, bệnh đường ruột đối với người); 40% số mẫu nước kiểm tra có chỉ tiêu độ đục vượt từ 1,74 đến 5,86 lần giới hạn cho phép (chỉ số mang dấu hiệu tình trạng ô nhiễm nặng đối với nguồn nước mặt)...
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống và sức khỏe con người, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã đề xuất Dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho trường học và người dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, với mục đích xây dựng 5 mô hình xử lý, cấp nước sạch và nước uống trực tiếp cho học sinh, cán bộ và giáo viên tại 5 trường học trên địa bàn tỉnh. Dự án là sáng kiến nằm trong chuỗi hoạt động chung của Dự án tổng thể “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe và Môi trường – gọi tắt là dự án Local Works” do Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam quản lý, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án cấp nước sạch có sự đối ứng của địa phương được thực hiện theo nguyên tắc: Nhà tài trợ hỗ trợ 80% tổng kinh phí dự toán để thực hiện mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị, hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật thực hiện dự án… với kinh phí trên 580 triệu đồng; địa phương đối ứng 20% kinh phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng lắp đặt hệ thống, làm hàng rào bảo vệ, mái che với kinh phí hơn 125 triệu đồng.
Với phương châm “Phát huy sáng kiến, vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm” của Liên hiệp Hội và các địa phương, nhà trường, sau 5 tháng triển khai thực hiện, các hoạt động của Dự án được triển khai, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Tại huyện Đồng Văn, Dự án triển khai tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Sà Phìn, với hệ thống xử lý, cấp nước sạch công suất 10m3/ngày đêm và hệ thống lọc nước uống tinh khiết công suất 120 lít/giờ; Trường Mầm Non Sủng Là, với hệ thống xử lý, cấp nước sạch công suất 5m3/ngày đêm và hệ thống lọc nước uống tinh khiết công suất 120 lít/giờ. Tại huyện Bắc Mê, triển khai tại Trường PTDT Nội trú huyện Bắc Mê, hệ thống xử lý, cấp nước sạch công suất 10m3/ngày đêm và hệ thống lọc nước uống tinh khiết RO công suất 120 lít/giờ; Trường PTDT bán trú THCS Yên Cường, với hệ thống xử lý cấp nước sạch công suất 5m3/ngày đêm và hệ thống lọc nước uống tinh khiết công suất 120 lít/giờ. Tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang, với hệ thống xử lý, cấp nước sạch quy mô công nghiệp công suất 30m3/ngày đêm và hệ thống lọc nước uống tinh khiết công suất 300 lít/giờ.
Hệ thống xử lý nước đầu vào cấp nước sạch cho sinh hoạt được áp dụng công nghệ lọc RO – công nghệ thẩm thấu ngược giúp cho quá trình lọc dễ dàng diễn ra mà không đòi hỏi khắt khe về vị trí nguồn nước. Chất lượng nước lọc được cơ quan chức năng chứng nhận đạt Quy chuẩn chất lượng Quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT (Quy chuẩn cao nhất dành cho nước sinh hoạt) và đạt Quy chuẩn Quốc gia QCVN6-1:2010/BYT (Quy chuẩn cao nhất dành cho nước uống trực tiếp). Đây là những kết quả, thành công vượt trội về chất lượng so với mục tiêu dự án và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch và nước uống học đường cho hơn 3.240 học sinh, sinh viên, cán bộ và giáo viên của 5 trường học trên địa bàn tỉnh. Điều đặc biệt là dự án với nguồn kinh phí hỗ trợ thấp, địa phương, nhà trường đều khó khăn nhưng đã huy động được sự tham gia đóng góp công sức của cả cộng đồng và các nhà khoa học ở trong và ngoài tỉnh.
Thăm quan thực tế mô hình cấp nước sạch và nước uống học đường tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh, đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhận xét: “Đây là mô hình cấp nước sạch kiểu mẫu để các cấp, ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh học tập và nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân trong tỉnh được sử dụng nước sạch; giúp tăng cường sức khỏe, an toàn cho cộng đồng và hướng đến sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc