Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm
BHG - Hiện nay, việc ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khỏe. Do vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các cơ quan quản lý về lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc quản lý các sản phẩm thực phẩm xuất, nhập khẩu, ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm... nhằm góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Giang kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa tại siêu thị HT, phường Quang Trung. Ảnh: TƯ LIỆU |
Thành phố Hà Giang là địa bàn đông dân cư, có nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa liên quan đến thực phẩm. Vì vậy, ứng dụng CNTT sẽ giúp các cơ quan chủ quản về ATTP quản lý thông tin, chứng nhận của tất cả các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, cung cấp hệ thống báo cáo thống kê tự động, hệ thống tương tác trực tiếp giữa 3 cấp (cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm - người tiêu dùng thực phẩm)… Đồng thời, hỗ trợ tối đa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến chất lượng thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn thành phố.
Việc ứng dụng CNTT để quản lý, tiếp nhận, xử lý phản ánh vấn đề ATVSTP sẽ mang lại kết nối liên thông giữa cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng, tiếp nhận phản ánh của người dân kịp thời; Nắm bắt, tổng hợp, phân tích nhu cầu, thị hiếu của người dân để có hoạch định, kế hoạch nâng cao chất lượng ATVSTP. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra giúp xây dựng một hệ thống thông tin có sức lan tỏa nhanh chóng, tương tác trực tiếp, đem đến hiệu quả tích cực trong việc nâng cao mức độ hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định trong việc đảm bảo ATVSTP, xây dựng một thị trường cung ứng, tiêu thụ thực phẩm sạch, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, kinh tế - xã hội của người dân địa phương.
Với xu thế chuyển đổi số của cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý vấn đề ATTP là phù hợp với sự phát triển của xã hội. Cùng với đó, sẽ mang lại hiệu quả như: Quản lý số cơ sở; loại hình kinh doanh thực phẩm; địa điểm; cơ sở được học tập kiến thức; số cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm; số cơ sở được ký cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm liên thông từ thành phố đến xã, phường. Đồng thời, cung cấp thông tin rõ ràng, tin cậy, đầy đủ thông tin về cơ sở kinh doanh dịch vụ cho người dân, du khách. Người dân có thể phản ánh về ATVSTP qua nhiều phương thức khác nhau: Điện thoại, cổng thông tin, app mobile dùng chung giúp chính quyền có thể điều hành, xử lý các phản ánh của người dân kịp thời. Từ đó, giúp người dân có được kênh tương tác với chính quyền dễ dàng, thuận lợi, chính xác.
Với việc triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý VSATTP sẽ góp phần quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP, từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Hồng Cừ