Giải pháp khai thác Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quyết Tiến
BHG - Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) tại Quyết Tiến (Quản Bạ) được phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2011, do Sở KH&CN làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Nhưng đến nay chưa phát huy hiệu quả hoạt động như mục tiêu đề ra.
Tổ sản xuất chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ thông thường như trồng cà chua, bắp cải, súp lơ... |
Theo Quyết định 1791 ngày 8.7.2011 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng Khu Nông nghiệp UDCNC, mục tiêu dự án sẽ tạo ra giống cây trồng, vật nuôi nhanh, số lượng lớn, nhiều đặc tính quý; nâng cao chất lượng, năng xuất so với các sản phẩm sản xuất bằng phương pháp truyền thống; an toàn, thân thiện với môi trường và con người; ứng dụng kỹ thuật mới nhất vào sản xuất các loại cây trồng biến đổi gen phục vụ chế biến công nghiệp. Các hạng mục đầu tư gồm một nhà cấp IV 2 tầng, diện tích sàn 450 m2 thiết kế làm nhà điều hành, phòng nuôi cấy mô, tập huấn kỹ thuật, trưng bày giới thiệu sản phẩm, phân tích và kiểm định chất lượng; khu nhà xưởng, kho vật tư cấp IV, diện tích 390 m2; nhà để xe, bảo vệ, tường bao, đường bê tông… Khu sản xuất được 0,4 ha nhà màng và nhà lưới, còn lại là đất không nhà lưới để khảo nghiệm sản xuất giống rộng 0,6 ha.
Lưới chắn côn trùng của 3.000 m2 nhà lưới không phát huy hiệu quả. |
Sau 7 năm đầu tư, xây dựng, Sở KH&CN giao cho Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới (TT và CGCNM) trực thuộc Sở quản lý, khai thác. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Khu Nông nghiệp UDCNC được giao thực hiện được một số nhiệm vụ khoa học như: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trồng thử nghiệm cây dâu Tây; trồng cà chua Cherry, dưa lưới và dưa lê Hàn Quốc; hoàn thiện quy trình trồng một số cây dược liệu bản địa. Ngoài ra, thí điểm thêm một số mô hình như: Trồng mận Máu Hoàng Su Phì, đào, Actiso, sản xuất rau an toàn, bảo tồn một số giống lan rừng… nhưng hiệu quả không cao, chưa có mô hình được chuyển giao, nhân rộng trong nhân dân. Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm của các mô hình vẫn theo phương pháp trồng trọt, chăm sóc thông thường, không đạt mục tiêu đề ra.
Anh Vũ Hoàng Hiệp, Giám đốc Trung tâm TT và CGCNM thẳng thắn nhìn nhận: “Mặc dù Ban Giám đốc Sở quan tâm tạo điều kiện nhưng hoạt động của Khu Nông nghiệp UDCNC chưa đạt mục tiêu đề ra. Ngoài nguyên nhân chủ quan do quản lý, vận hành thì một số nguyên nhân khách quan như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đầu tư chưa đồng bộ; dự án cắt giảm một số hạng mục; hệ thống nhà màng, nhà lưới chưa hoàn thiện, lưới chắn côn trùng, màng ni – lông bị rách, hỏng; kinh phí tái đầu tư, sửa chữa lớn trong khi nguồn lực của đơn vị hạn chế; số lượng nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao hàng năm chưa nhiều… cũng ảnh hưởng lớn tới hiệu quả khai thác, sản xuất”.
Theo tìm hiểu, do nguồn kinh phí đầu tư hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao nên tổng mức đầu tư theo phê duyệt từ trên 28 tỷ đồng điều chỉnh còn gần 20 tỷ đồng. Có 3 hạng mục bị cắt giảm gồm: Thiết bị nuôi cấy mô; phần chuyển giao công nghệ; gói thiết bị hệ thống tưới. Đây đều là các hạng mục quan trọng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Giám đốc Sở KH&CN, Phan Đăng Đông, cho biết: “UDCNC trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Mục tiêu xây dựng Khu Nông nghiệp UDCNC là phù hợp với điều kiện, quá trình phát triển của tỉnh. Những năm qua, chúng tôi đã và đang tích cực tìm giải pháp khai thác hiệu quả, tránh lãng phí. Trước mắt, từ năm 2021 Sở giao cho Trung tâm TT và CGCNM tự chủ 10% kinh phí chi thường xuyên. Lâu dài, chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị đồng bộ, cùng quản lý, vận hành để thực hiện những dự án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao vào sản xuất, đúng như mục tiêu dự án”.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc