Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống
BHG - Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sinh học (CNSH) mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho phát triển KT – XH. Nắm bắt kịp thời xu thế đó, tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt việc ứng dụng CNSH trong nhiều lĩnh vực và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Ứng dụng chế phẩm sinh học ủ chua thức ăn trong chăn nuôi gia súc tại xã Tùng Bá (Vị Xuyên). |
Những năm qua, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng đã đầu tư kinh phí, trang thiết bị hiện đại để ứng dụng CNSH trong chọn tạo và phục tráng các loại giống cây trồng, vật nuôi; chăm sóc, bảo tồn tốt các cây đầu dòng như: Lê Đài loan, mận Tam hoa, đào Vân Nam, Hồng không hạt; sản xuất trên 100.000 cây giống ăn quả ôn đới các loại; 20 kg giống ngô tẻ siêu nguyên chủng và chọn lọc 15 dòng ngô tẻ vàng tiếp tục thực hiện phục tráng theo Dự án “phục tráng và bảo tồn một số giống ngô địa phương chất lượng tốt, chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu”; phối hợp với Công ty An Vy sản xuất và cung ứng trên 136.000 cây giống Đan sâm bằng phương pháp Invitro đảm bảo chất lượng tốt cho huyện Quản Bạ, Xín Mần; sản xuất và nhân giống nhiều loài dược liệu quý.
Bò Vàng là vật nuôi nổi tiếng và quý hiếm trên Cao nguyên đá Đồng Văn với chất lượng thịt thơm, ngon. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, giống bò Vàng Cao nguyên đá dần bị mai một. Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng đã bảo tồn, phát triển nguồn gen giống bò Cao nguyên đá Đồng Văn bằng cách chăm sóc tốt đàn bò đực giống và bò cái sinh sản; ứng dụng CNSH trong ủ chua, dự trữ thức ăn; sản xuất hàng chục nghìn liều tinh đông lạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện kế hoạch thụ tinh nhân tạo của các địa phương.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thực hiện ứng dụng CNSH trong thực hiện Dự án “Nhượng quyền thương mại sản xuất giống lúa Japonica làm cơ sở xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Giang” với việc sản xuất trên 1 tấn giống nguyên chủng DDS1, VAAS16 và 20 tấn giống cấp xác nhận; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất được trên 53.600 cây giống và trồng thử nghiệm các loài dược liệu quý như: Ba kích tím, Giảo cổ lam; Đinh lăng nếp, Thất diệp nhất chi hoa… Trung tâm Thủy sản “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen một số loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang”; đến nay, đã thu thập nguồn gen của các loại cá: Lăng, Chiên, Rầm xanh, Anh vũ, Mị, Chày đất; thực hiện sản xuất cá giống và thả tái tạo hàng nghìn con cá Rầm xanh, Anh vũ trên các sông. Nhiều địa phương triển khai dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng việc sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hầm khí Bioga, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý thức ăn chăn nuôi, chế biến phân hữu cơ…
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất là xu thế tất yếu, mang lại “lợi nhuận kép”; vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; vừa phục tráng và tái tạo nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu; giúp hình thành và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản chủ lực của tỉnh; góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh sản xuất, CNSH cũng được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động của ngành Y tế như: Sử dụng công nghệ gen, kỹ thuật PCR, Real-time, sử dụng các loại vắc xin được sản xuất bằng phương pháp CNSH tiên tiến trong hoạt động tiêm chủng phòng bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ứng dụng CNSH phân tích miễn dịch, phát hiện protein có liên quan đến sự hình thành khối u; xác định sự có mặt của vi khuẩn, sinh phẩm được sử dụng trong hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán như: Xét nghiệm HIV, xét nghiệm thực phẩm, nước, mô, vi sinh dịch tễ... giúp việc xác định bệnh nhanh chóng, chính xác. 100% bệnh viện trên địa bàn tỉnh sử dụng một số sản phẩm CNSH trong khám, chữa bệnh như: Sử dụng Insulin điều trị bệnh đái tháo đường. Các cơ sở y tế đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng bằng CNSH trước khi thải ra môi trường...
Thành quả trên đã minh chứng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, CNSH được ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Bài, ảnh: Biện Luân