Ngành giáo dục trong cuộc cách mạng 4.0
BHG - Với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo những công dân số trong tương lai, những năm qua, ngành Giáo dục đã tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), khai thác tối đa lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại trong công tác quản lý và giảng dạy.
Học sinh lớp 6 trường THCS Minh Khai (thành phố Hà Giang) trong giờ Tin học. |
Toàn tỉnh hiện có 820 cơ sở giáo dục với tổng số 256.290 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa; 18.505 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Để CNTT thực sự là công cụ hỗ trợ công tác quản lý và gảng dạy, Sở GD&ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả: Chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục tăng cường sử dụng sổ điện tử thay hình thức giấy để tiết kiệm chi phí, giảm tải thời gian cho cán bộ quản lý, giáo viên. Sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý, dạy – học; triển khai hệ thống Wedsite trong toàn ngành phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền; ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học hàng năm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện, toàn tỉnh có trên 220 phòng tin học với trên 6.330 máy tính hoạt động tại các trường học, cơ sở giáo dục; tất cả máy tính có kết nối internet. 100% trường học và cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản lý văn bản VNPT-ioffice đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt; 100% cán bộ văn phòng Sở, các phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường học được cấp email nội bộ; có 407 trường học, trên 8.600 giáo viên và trên 42.660 học sinh có tài khoản trên trang mạng “Trường học kết nối” của Bộ GD&ĐT và đã có hàng chục nghìn bài học được chia sẻ để đồng nghiệp và học sinh cả nước tham khảo. Các phần mềm về quản lý thi THPT, xét tốt nghiệp, quản lý công chức, viên chức, phổ cập mù chữ… được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT đã thí điểm xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thi trực tuyến, đánh giá xếp loại học sinh tự động, triển khai thi thử tốt nghiệp THPT năm 2020 đối với học sinh lóp 12 trên phần mềm cho 8 môn thi trắc nghiệm với 5.016 học sinh tham gia.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giúp giáo viên sử dụng thành thạo CNTT để thiết kế bài giảng điện tử, tìm kiếm, chọn lọc tài liệu trên mạng phục vụ công tác giảng dạy; cập nhật kho bài giảng E-learning. Tăng cường sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT có sẵn; sử dụng hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử đảm bảo sự liên hệ chặt chẽ, nhanh chóng giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh. Dịch Covid-19 bùng phát, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngành Giáo dục liên tục cho học sinh nghỉ học và phải điều chỉnh thời gian học. Các nhà trường đã tích cực sử dụng các phần mềm, hòm thư điện tử, mạng xã hội để giao bài tập cho học sinh; dạy học trực tuyến trên hệ thống Zoom meeting giúp các em ôn tập kiến thức. Nhiều cuộc thi kiến thức được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Hạ tầng CNTT tuy đã được đầu tư, trang bị theo các chương trình, đề án giáo dục nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; nhiều máy tính được trang bị từ lâu đến nay cấu hình yếu và xuống cấp; kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học hạn chế; Đặc biệt thiếu nguồn nhân lực CNTT, hiện nay, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn tỉnh thiếu 205 giáo viên tin học và công nghệ cấp tiểu học và 177 giáo viên tin học cấp THCS, điều này đặt ra áp lực lớn đối với gành Giáo dục.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT: Ngành Giáo dục đã chủ động và ứng dụng khá hiệu quả những lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong thời gian tới, toàn ngành nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy, trong đó tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành; triển khai các phần mềm quản lý, kêt nối liên thông dữ liệu; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thiết bị CNTT; hướng đến xây dựng đội ngũ nhà giáo và học sinh làm chủ công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số.
Bài, ảnh: Biện Luân
Ý kiến bạn đọc