Hội thảo tư vấn phản biện "Đánh giá tác động chương trình phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang"
BHG - Sáng 28.10, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện “Đánh giá tác động chương trình phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang”. Dự hội thảo có lãnh đạo các huyện vùng dược liệu; đại diện các sở, ngành có liên quan,…
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh thống nhất các ý kiến đóng góp và kết luận hội thảo. |
Chương trình phát triển cây dược liệu của tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND và các ngành, địa phương. Trong đó, tập trung triển khai các hoạt động khoa học nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển dược liệu, ban hành quy trình kỹ thuật, phát triển nguồn giống phục vụ sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thúc đẩy thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư… Kết quả, bước đầu đã có tác động tích cực trong thực tiễn; hỗ trợ thúc đẩy Chương trình phát triển, sản xuất dược liệu; trong hoạt động chế biến và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 30 tỷ đồng để triển khai chương trình, hỗ trợ về giống, phân bón, đào tạo,…; đã phát triển giống dược liệu phục vụ sản xuất đối với 20 cây giống. Trồng được gần 12 nghìn ha cây dược liệu, sản lượng ước đạt 18.725 tấn. Đã có một số doanh nghiệp, HTX xây nhà xưởng, đầu tư cải tiến máy móc thiết bị chế biến đồng bộ, tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Một số sản phẩm đã được lựa chọn tham gia trưng bày, giới thiệu tại các tỉnh và được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa như sản phẩm bột nghệ của Công ty TNHH Cát Thành, HTX nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn…. Quá trình thực hiện chương trình đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa, cơ cấu cây trồng đang dần được thay đổi từ sản xuất manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa; nhiều gia đình đã có thu nhập đáng kể từ sản xuất dược liệu…
Tuy nhiên, Chương trình phát triển cây dược liệu của tỉnh chưa có những tác động rõ nét tới sự phát triển kinh tế và giảm nghèo; vẫn còn bộc lộ những hạn chế như chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa thu hút được đầu tư, vấn đề đầu ra còn hạn chế,…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra những giải pháp thúc đẩy chương trình. Trong đó tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù mang tính đột phá để khuyến khích phát triển tiềm năng dược liệu; rà soát quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu trên cơ sở định hướng rõ về loại cây thích hợp, có hiệu quả kinh tế cao đối với từng vùng; xác định lại danh mục cây dược liệu được ưu tiên, tập trung phát triển các loài có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên BCĐ chương trình từ cấp tỉnh đến huyện trong tham mưu tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ tổ chức các hoạt động sơ kết, đối thoại để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn.
Tin, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc