Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật ở Đồng Văn

18:53, 23/09/2019

BHG - Trong những năm qua, công tác tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn huyện Đồng Văn đã được triển khai tích cực, hiệu quả. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), hoạt động tuyên truyền, PBGDPL từng bước được đổi mới, đáp ứng nhu cầu tìm thông tin và tiếp cận thông tin về pháp luật của người dân. Ứng dụng CNTT trong PBGDPL trên địa bàn huyện đã trở thành công cụ hữu hiệu trong tuyên truyền pháp luật, giúp định hướng dư luận một cách đúng đắn, nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân.

Huyện đoàn tổ chức thi tìm hiểu về pháp luật cho đoàn viên, thanh niên thị trấn Đồng Văn.
Huyện đoàn tổ chức thi tìm hiểu về pháp luật cho đoàn viên, thanh niên thị trấn Đồng Văn.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, PBGDPL đến nhiều đối tượng. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện được 2.114 buổi tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho trên 187 nghìn lượt người; tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho 320 lượt người tham gia; phát hành gần 1.500 bộ tài liệu về pháp luật… Trong đó, tiêu biểu như Chiến dịch tình nguyện Hè tuyên truyền pháp luật do Huyện đoàn Đồng Văn phối hợp với Đoàn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức; thành lập Trang tư vấn pháp luật cho thanh, thiếu niên và học sinh trên mạng xã hội face book; tuyên truyền trên 40 buổi tại 40 thôn cho gần 1.200 lượt người tham gia. Tại các buổi tuyên truyền chủ yếu được tập trung đăng tải hình ảnh, bài viết có nội dung sát với thực tế tại địa phương như: Nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; bạo hành gia đình; vận chuyển trái phép chất ma túy; vượt biên trái phép; Luật Giao thông…

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin đa dạng, nhanh chóng; huyện còn chỉ đạo triển khai PBGDPL qua mạng xã hội Face book, thông qua hình thức tạo các trang thông tin về pháp luật; xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, có sự tư vấn, phối hợp của các phòng, ban chuyên môn như: Phòng Tư pháp, Công an huyện thu hút đông đảo người truy cập. Đồng thời, tăng cường đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương, như Đài truyền thanh, truyền hình huyện cung cấp những thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng; từng bước phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện. Bên cạnh hình thức tuyên truyền, phổ biến thông qua mạng internet, mạng xã hội; việc tổ chức các cuộc thi, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi cấp huyện cũng được đẩy mạnh và triển khai thường niên cho tất cả mọi đối tượng. Đến nay, 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Thực tế cho thấy, việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL sẽ mở rộng đối tượng tiếp nhận và nội dung tuyên truyền; góp phần giảm chi phí, nguồn nhân lực trong quá trình thực hiện; hoạt động tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới ban hành đến cán bộ, nhân dân được kịp thời không chỉ mang lại sự thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt các chính sách pháp luật mới, việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL; mà còn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, đội ngũ tuyên truyền viên tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú, đa dạng hơn. Từ đó, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và chất lượng các buổi tuyên truyền, phổ biến tại các xã, thị trấn.

Ông Phạm Hồng Việt, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: Sau khi triển khai thực hiện ứng dụng CNTT vào PBGDPL trên địa bàn huyện, bước đầu đã có những kết quả tích cực; người dân có thể tiếp cận một cách nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, là huyện vùng cao khó khăn của tỉnh, người dân sinh sống tại các thôn, bản xa chưa được tiếp cận với mạng internet, mạng xã hội dẫn đến hoạt động còn nhiều hạn chế. Tại các xã, các văn bản pháp luật mới chỉ được phát đến tay cán bộ xã, chưa có cách gửi đến tận tay người dân. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, chúng tôi vẫn kết hợp song song 2 hình thức. Tại các xã duy trì Tủ sách pháp luật, thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp để phát tờ rơi, văn bản pháp luật đến tay người dân.

Hiện, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối internet ngày càng tăng. Đồng thời, hệ thống loa phát thanh không dây cũng vươn đến tận các thôn, bản xa. Vì thế, việc ứng dụng CNTT trong PBGDPL là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để việc ứng dụng CNTT trong hoạt động PBGDPL thực sự hiệu quả, người dân phải chủ động tìm hiểu về CNTT để tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn. Chính quyền địa phương cũng cần có những kế hoạch biện pháp cụ thể, lâu dài, đầu tư trang thiết bị cần thiết; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ tư pháp, tuyên truyền viên pháp luật để từng bước đẩy nhanh, hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong PBGDPL tại cơ sở.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập tục mai táng là câu chuyện lớn, phải bàn rất kỹ

Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn khoa học "Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra", do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, chiều 27/8.

28/08/2019
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với Viện Khoa học nông nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)

BHG - Sáng 27.7, đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các thành viên Ban Giám đốc, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc sở đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Viện Khoa học nông nghiệp (KHNN) tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Từ ngày 19 – 26.7, Đoàn công tác Viện KHNN tỉnh Vân Nam đã đi khảo sát, nghiên cứu thực tế và tập huấn cho các HTX, hộ nông dân và cán bộ chuyên môn ở cơ sở về tình hình phát triển cây ăn quả ôn đới, dược liệu...

28/07/2019
Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp

BHG - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới, sáng tạo trong các doanh nghiệp, hợp tác xã (DN/HTX) được xác định là một trong những nhiệm vụ gỡ "nút thắt" phát triển KT - XH của tỉnh. Tính đến đầu tháng 7, toàn tỉnh có 2.365 doanh nghiệp (DN) và đơn vị trực thuộc, 648 HTX hoạt động trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 DN KHCN và một số DN kinh doanh lĩnh vực chè, dược liệu có hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ... 

25/07/2019
Triển khai thí điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua ứng dụng ViettelPay

BHG - Sáng 21.8, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với Viettel Hà Giang triển khai thí điểm hoạt động chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thông qua ứng dụng ViettelPay cho người dân tại thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). Tại đây, các cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cùng với nhân viên Viettel Hà Giang đã hướng dẫn chủ rừng các thao tác đăng ký, cài đặt sử dụng ứng dụng ViettelPay. 

21/08/2019