Nâng tầm thương hiệu mật ong Bạc hà Cao nguyên đá
BHG - Những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực; trong đó, mật ong Bạc hà là một ví dụ cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh với sản vật này.
Người dân xã Lũng Thầu (Đồng Văn) kiểm tra đàn ong mật giống bản địa. |
Cao nguyên đá Đồng Văn là một di sản địa chất cực kỳ độc đáo, hấp dẫn hơn bởi nhiều sản phẩm đặc thù của vùng, như: Hồng Không hạt, thịt bò Vàng và đặc biệt là mật ong Bạc hà danh tiếng. Rất nhiều du khách đến Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn khi ra về đều muốn mang theo chút mật ong Bạc hà như một thực phẩm bổ dưỡng, một thứ “thuốc” của miền đá… Chính vì thế, khoảng chục năm trước, Hà Giang đã nghĩ đến việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà của Cao nguyên đá. Năm 2013, Hà Giang vinh dự là một trong số ít tỉnh thuộc khu vực miền núi của cả nước sở hữu Chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm nông nghiệp - mật ong Bạc hà Mèo Vạc.
Mật ong Bạc hà là sản phẩm chủ yếu do các giống ong mật thuộc loài Apis cerana tạo ra, những đàn ong lấy mật từ cây Bạc hà mọc tự nhiên trên Cao nguyên đá. Mật ong Bạc hà thường đặc sánh, sáng màu từ vàng đỏ đến vàng chanh; khác biệt so với hầu hết các loại mật ong khác ở nước ta. Tuy nhiên đến nay, những công bố về chất lượng của mật ong Bạc hà mới chỉ đề cập đến một số chỉ tiêu hóa lý, như thành phần đường, khử thủy phần…, tương tự như các loại mật ong khác và chưa có cơ sở khoa học chứng về khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa của sản phẩm mật ong Bạc hà Cao nguyên đá.
Để góp phần nâng tầm uy tín, khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà Cao nguyên đá; đề tài nghiên cứu phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm Chỉ dẫn địa lý cho mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn được hình thành. Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh, do Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý; Viện An toàn Thực phẩm thuộc Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định VinaCert chủ trì thực hiện cùng với sự phối hợp của các đơn vị như Trung tâm Kiểm nghiệm, Sở Y tế Hà Giang; Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang… Đề tài được thực hiện trong 2 năm từ 2017 – 2018.
Trao đổi với chúng tôi, cơ quan quản lý đề tài nghiên cứu, cho biết: Mục tiêu của đề tài nhằm làm rõ hơn tính chất đặc thù của mật ong Bạc hà; đưa ra chỉ thị để truy xuất nguồn gốc và cơ sở khoa học về giá trị y học của sản phẩm; bổ sung giá trị y học của mật ong Bạc hà vào tiêu chuẩn sản phẩm Chỉ dẫn địa lý.
Từ xa xưa, mật ong được người dân sử dụng để hỗ trợ chữa nhiều bệnh, như: Viêm họng, làm đẹp da, bồi bổ cơ thể, bôi vết thương, vết bỏng để tránh nhiễm trùng…, bởi trong mật ong có chứa chất kháng khuẩn. Ngoài ra, mật ong còn có vai trò chống oxy hóa, có thể làm sạch, làm giảm sự hình thành hoặc vô hiệu hóa ảnh hưởng của các gốc tự do.
Theo các nhà khoa học, các loại mật ong khác nhau, khai thác ở những vùng địa lý khác nhau có khả năng kháng khuẩn và và chống oxy hóa không giống nhau. Trên cơ sở đó, đề tài nghiên cứu, phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm Chỉ dẫn địa lý cho mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn được thực hiện đã đánh giá vai trò y học của mật ong Bạc hà bằng cách xác định và so sánh các chỉ tiêu liên quan đến khả năng kháng khuẩn và oxy hóa với một số loại mật ong khác ở trong nước và trên thế giới.
Qua so sánh với các loại mật ong khác cho thấy, các chỉ số về hàm lượng các chất kháng khuẩn của mật ong Bạc hà cao hơn; nghiên cứu cũng xác định hàm lượng 9 chất chống oxy hóa trong mật ong Bạc hà so với các loại mật khác. Thông qua việc xác định hàm lượng các chất kháng khuẩn cũng như xác định hàm lượng chất chống oxy hóa trong mật Bạc hà chính là những chỉ tiêu, thông số cơ bản giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần ngăn chặn gian lận thương mại về mật ong Bạc hà Cao nguyên đá.
Từ việc nghiên cứu thêm các hàm lượng chất kháng khuẩn, chất chống oxy hóa trong mât ong Bạc hà; tháng 10.2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu chất lượng đối với sản phẩm mật ong Bạc hà. Qua đó, đề nghị bổ sung thêm 2 chỉ tiêu kháng khuẩn của mật ong Bạc hà, gồm: Chỉ tiêu hàm lượng chất kháng khuẩn glyoxal (GO), hàm lượng các chất kháng khuẩn methylglyoxal (MGO); 3 chỉ tiêu chống oxy hóa, gồm: Chỉ tiêu hàm lượng 9 chất chống oxy hóa, hàm lượng Fe2+, khả năng chống oxy hóa tổng số, chỉ tiêu phần trăm DPPH về khả năng chống oxy hóa tổng số. Ngày 7.11.2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 4089/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc.
Anh Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: Thông số khoa học về hàm lượng các chất trong mật ong Bạc hà Cao nguyên đá giúp cho các cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc và phân biệt các loại mật ong khác. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ uy tín, chất lượng, thương hiệu mật Bạc hà.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc