Quang Bình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp
BHG - Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình đã có những chuyển biến tích cực; góp phần làm thay đổi phương pháp sản xuất, giảm sức lao động, thời gian canh tác và mang lại hiệu quả cao cho nông dân.
Anh Nguyễn Văn Miền thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất trồng rau. |
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện luôn chú trọng tạo mọi điều kiện giúp nhân dân vay vốn ưu đãi, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, máy nông nghiệp đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho nông dân. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân về ứng dụng KHKT vào sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 912 máy làm đất; 2.472 máy gieo trồng, chăm sóc; 4.456 máy thu hoạch; 1.339 chuồng trại có hệ thống máng ăn đạt tiêu chuẩn; 404 máy chế biến thức ăn thô xanh và 1.727 hệ thống xử lý chất thải.
Trong sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, huyện đã hình thành những cánh đồng mẫu lớn; cải tạo và đưa vào khảo nghiệm các loại giống mới, đặc sản của địa phương, như: Nếp cẩm, Khẩu chất, Bao thai đỏ và Séng cù… được áp dụng gieo mạ khay và thực hiện cấy bằng máy với tổng diện tích trên 100 ha tại các xã: Xuân Giang, Yên Thành, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Bằng Lang; cùng với đó, cán bộ nông nghiệp được phân công thường xuyên theo sát, hướng dẫn bà con về quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc. Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai việc áp dụng gieo mạ khay và thực hiện cấy bằng máy tại các chân ruộng có điều kiện, với diện tích 150 ha với giống lúa HKT99; tương đương 33.600 khay mạ.
Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Miền, thôn Hà Thành, xã Bằng Lang. Hiện, gia đình anh đã áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn trong sản xuất với đầy đủ các loại máy nông nghiệp và trên 10.000 khay ma. Vụ Xuân năm nay, gia đình anh gieo trồng chủ yếu giống lúa HKT99 và PC15. Anh Miền chia sẻ: Việc áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho năng suất cây trồng đạt cao hơn và giảm đáng kể chi phí vật tư và nhân công.
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh áp dụng KHKT vào trồng, chăm sóc chè, cam theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện mô hình thâm canh tổng hợp và cơ giới hóa trong trồng cây lạc tại thôn Thượng Minh (Vĩ Thượng) với các loại giống: L14, L23 đã cho thấy năng suất đạt khá cao, 35-40 tạ/ha. Không chỉ với cây trồng, chương trình áp dụng KHKT vào cải tạo giống trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cũng được huyện chú trọng.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện được biết: Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao KHKT cho nông dân; đồng thời mở rộng diện tích vùng sản xuất lúa hàng hóa để áp dụng cơ giới và triển khai hiệu quả mô hình thụ tinh nhân tạo nhằm nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc