Ngành KH&CN góp phần xây dựng, bảo hộ thương hiệu các sản phẩm
BHG – Những năm qua, nói đến Hà Giang, ngoài các di sản văn hóa, thiên nhiên nổi tiếng; nhiều người còn biết đến các sản vật của địa phương, như: Thịt bò Vàng, hồng Không hạt, chè Shan tuyết, gạo Già dui… Cùng với sự quan tâm, góp sức của tỉnh; ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Tên gọi và xuất xứ của các sản phẩm đang dần trở thành những thương hiệu có tiếng không chỉ ở miền đất Hà Giang.
Năm 2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND về xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016-2020. Đây là kế hoạch rất thiết thực trong bối cảnh tỉnh ta đang đẩy mạnh phát triển du lịch – dịch vụ; đồng thời, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh với khâu “đột phá” về ứng dụng KHKT và công nghệ vào sản xuất và Chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, thời gian qua, ngành KH&CN đã chủ động và đi đầu tham mưu triển khai Kế hoạch 20 của UBND tỉnh.
Hiện, tỉnh ta đang thực hiện Dự án Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý của sản phẩm mật ong Bạc Hà Hà Giang. Trong ảnh: Sản phẩm mật ong Bạc hà Mèo Vạc. |
Ngành KH&CN đã tích cực tham mưu thành lập Hội đồng Khoa học chuyên đề về lĩnh vực sở hữu trí tuệ để thẩm định, nghiệm thu các dự án thuộc Kế hoạch 20/KH-UBND; tham mưu xây dựng Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 2.2.2018 về “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của tỉnh Hà Giang năm 2018. Cùng với đó, ngành tham mưu cho tỉnh đề xuất và được Bộ KH&CN đầu tư thực hiện Dự án “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý Hà Giang dùng cho sản phẩm cam Sành của tỉnh Hà Giang”, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Cam và người nông dân trồng cam trong quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả. Hiện, Bộ KH&CN đang hoàn thiện các thủ tục để ký kết hợp đồng thực hiện dự án.
Để đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, hàng năm, Sở KH&CN đã ban hành công văn hướng dẫn UBND các huyện, thành phố đăng ký thực hiện dự án khoa học để có cơ sở đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; cách thức xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể và các loại nhãn hiệu độc quyền. Qua đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công cho 4 sản phẩm đặc sản của tỉnh, gồm: Hồng Không hạt Quản Bạ, gạo tẻ Già dui Xín Mần; cam Sành Hà Giang và chè Shan tuyết Hà Giang.
Chị Hà Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN, cho biết: Hiện nay, Hà Giang là tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhất; 5 trong tổng số 69 chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc. Tỉnh đã có kế hoạch công bố chỉ dẫn địa lý thứ 6 là thịt bò Vàng Hà Giang trong năm nay. Hiện, tỉnh đã thực hiện Dự án Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý của sản phẩm mật ong Bạc Hà tỉnh Hà Giang. Đây là những kết quả rất khả quan, khẳng định vai trò, sự quan tâm của tỉnh và ngành KH&CN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Để đăng ký được nhãn hiệu chứng nhận thì cần có các nghiên cứu sâu về tính chất, chất lượng đặc thù sản phẩm. Thực hiện Kế hoạch 20/KH-UBND/2016, đến nay Sở KH&CN đã tham mưu cho Hội đồng Khoa học tỉnh thẩm định, quản lý 6/7 dự án. Trong đó, có 2 dự án đã nghiệm thu và đăng ký bảo hộ thành công, 2 nhãn hiệu chứng nhận là hồng Không hạt Na Khê – Yên Minh và một số sản phẩm từ Tam giác mạch huyện Đồng Văn. Năm 2019 sẽ nghiệm thu và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Thảo quả Hoàng Su Phì. Các dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận đối với 3 sản phẩm, gồm: Thịt lợn đen (thành phố Hà Giang), đậu tương (Hoàng Su Phì) và Giảo cổ lam (Quản Ba) sẽ được nghiệm thu và đăng ký bảo hộ năm 2020. Năm 2019, đã thẩm định Dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Hoa hồng Đồng Văn.
Đối với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, đây là lĩnh vực do các huyện, thành phố chủ trì chọn lựa sản phẩm, chọn lựa tổ chức tập thể để xây dựng, đăng ký quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Đến nay, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa tổ chức nào đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn có những tổ chức đã xây dựng, nộp đơn và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN bảo hộ nhãn hiệu tập thể, gồm: Rượu thóc Tùng Bá; Trà Chiêu Lầu Thi; HTX Tiểu thủ công nghiệp Việt Thành; HTX Chăn nuôi ong Phong Hưởng Cao nguyên đá Đồng Văn…
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất được Sở KH&CN hướng dẫn nộp đơn đăng ký bảo hộ và được Chương trình Khuyến công của tỉnh hỗ trợ hoặc tự hợp đồng với các đơn vị tư vấn dịch vụ sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu đã được công nhận hợp lệ từ năm 2016 đến cuối năm 2018 là 120 đơn vị. Trong đó, số nhãn hiệu đã được bảo hộ là 31 nhãn hiệu; điển hình, như: Chè Shan tuyết Cổng Trời 1, chè xanh Shan tuyết Sáng Thu, Chè công phu Độ Khoa; Tuấn Băng chè; HTX Thành Đô…
Bài, ảnh: HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc