Kinh nghiệm thụ tinh nhân tạo cho đàn gia súc ở Quản Bạ
BHG - Thụ tinh nhân tạo (TTNT) là một trong những biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển đàn gia súc, góp phần nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi và thực hiện hiệu quả Đề án nửa triệu con gia súc của tỉnh. Những năm qua, huyện Quản Bạ luôn đứng đầu tỉnh về số lượng gia súc thụ tinh nhân tạo thành công; trở thành địa chỉ để các huyện đến tham quan, học tập. Từ đây cũng mở ra việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nâng cao chất lượng đàn đại gia súc trên địa bàn.
Đàn bò của gia đình anh Giàng Tờ Phủ, thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân phát triển ổn định do được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. |
Nhìn lại chỉ cách đây vài năm, người dân vùng cao Quản Bạ vẫn chưa thể hình dung được việc áp dụng KHKT, phương pháp TTNT cho bò lại có thể dễ dàng được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực trong chăn nuôi đến như vậy. Anh Giàng Tờ Phủ, thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân, vừa cắt cỏ cho đàn bò, vừa chia sẻ: “Trước đây nhà tôi chỉ nuôi 2 – 3 con bò để làm sức kéo, thỉnh thoảng mới bán 1 con bò lấy tiền chi tiêu cho công việc gia đình. Từ ngày được chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông đến vận động TTNT cho đàn bò, tôi đã thay đổi từ nuôi bò truyền thống sang nuôi bò sinh sản và vỗ béo; tăng đàn bò lên 5 - 6 con. Nhờ áp dụng phương pháp TTNT cho bò, mà bê con sinh ra có trọng lượng lớn hơn so với phối giống tự nhiên, khỏe mạnh, lớn nhanh và có giá trị cao hơn so với nuôi bò địa phương; chỉ nuôi từ 8-12 tháng là đã có thể xuất chuồng với giá bán từ 15 – 20 triệu đồng/con”.
Để phương pháp TTNT cho bò được triển khai rộng rãi đến các hộ chăn nuôi, huyện Quản Bạ đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng TTNT trong chăn nuôi bò sinh sản. Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông Quản Bạ, Hoàng Thị Thơm Hương, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng cỏ, dự trữ thức ăn và kịp thời phát hiện thời điểm động dục của bò để phối giống. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Đối với những bò đực không đủ tiêu chuẩn làm giống sẽ được nuôi để bán bò thương phẩm. Thấy được lợi ích của việc lựa chọn những con giống tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, do vậy, các hộ chăn nuôi đã chủ động học tập, làm theo; từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, nay hầu hết các hộ chăn nuôi với mô đàn lớn, nuôi nhốt vỗ béo nên mô hình có sức lan tỏa, nhân rộng… Trong 3 năm qua, huyện đã phối giống được 2.567 lượt con bò; trong đó, có 1.749 con phối giống thành công”.
Để khuyến khích việc TTNT cho đàn bò, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người chăn nuôi cách phát hiện động dục ở bò, kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh chuồng nuôi và cách phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp..., đồng thời mở các lớp đào tạo dẫn tinh viên. UBND huyện cũng quan tâm bố trí nguồn kinh phí để xây dựng Trạm Truyền tinh nhân tạo; sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác TTNT do Trạm Khuyến nông huyện quản lý.
Đặc biệt, huyền còn thường xuyên quan tâm, chú trọng đến việc lồng ghép các nguồn vốn để phát triển và nâng tổng đàn đại gia súc trên địa bàn toàn huyện, như: Bố trí kinh phí từ nguồn Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để thực hiện hiệu quả việc phát triển đàn gia súc trên địa bàn và sử dụng nguồn kinh phí theo Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND tỉnh để chi trả tiền công cho dẫn tinh viên; ngoài ra, huyện còn bố trí 100% nguồn kinh phí để hỗ trợ mua nitơ lỏng bổ sung cho Trạm truyền tinh; hỗ trợ tiền công chi trả cho dẫn tinh viên 150 nghìn đồng/con; hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng cho dẫn tinh viên phối giống được 20 bò cái trở lên có chửa; hỗ trợ mua thuốc kích dục tố cho các hộ chăn nuôi bò; mỗi xã, thị trấn chọn 1 thôn làm điểm; bố trí nguồn kinh phí để tập huấn cho các hộ chăn nuôi; bổ sung kinh phí mua sắm các dụng cụ đảm bảo cho công tác TTNT.
Bằng nhiều biện pháp khuyến khích người dân áp dụng phương pháp TTNT cho đàn bò; đến nay, người chăn nuôi hầu hết đã nắm được kiến thức cơ bản về quy trình TTNT để nâng cao chất lượng con giống và giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi cũng như trong xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc