Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở Quang Bình
BHG - Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, BCH Đảng bộ huyện Quang Bình đã xác định 2 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá. Trong đó, chương trình sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là nội dung “mở đường” cho ứng dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào nông nghiệp. Hơn nửa chặng đường, huyện đã tập trung mọi nguồn lực về kinh phí, cơ sở vật chất triển khai các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với tập huấn, dạy nghề, chuyển giao công nghệ cho nhân dân. Đồng thời, trình diễn, trồng thử nghiệm giống cây, con mới giúp người dân thấy rõ lợi ích, tiến bộ của KHKT.
Thu hoạch lúa Xuân bằng máy gặt đập liên hợp tại thôn Hạ, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình. |
Trước tiên, để tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty TNHH An Đạt Thành chi nhánh Hà Giang liên kết, cung ứng máy nông nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 70%; thu hoạch đạt 55%. Đặc biệt, chương trình dồn điền tại 3 xã Bằng Lang, Xuân Giang, Tiên Yên với tổng diện tích gần 31 ha đã khắc phục tình trạng manh mún, hình thành cánh đồng mẫu lớn, dùng mạ khay, máy cấy sản xuất lúa hàng hóa theo “5 cùng”. Từ đó, năng suất, giá trị thu hoạch tăng lên 65 triệu đồng/ha, tăng 7 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường. Nhiều giống lúa đặc sản địa phương như: Nếp cẩm, Khẩu chất, Bào thai đỏ, Sánh cù, BC15 được khảo nghiệm, làm cơ sở nhân rộng.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đã tổ chức khoanh vùng sản xuất chè VietGAP được 850 ha tại 5 xã vùng chè, thành lập trên 25 Tổ sản xuất VietGAP. Để nâng cao chất lượng cây cam Sành, các xã tuyên truyền, tập huấn cho hộ trồng cam tiếp cận kỹ thuật sản xuất theo VietGAP, nâng diện tích được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP lên trên 989 ha, chiếm 34% tổng diện tích cam toàn huyện. Bên cạnh đó, những khu nhà lưới, nhà màng trồng rau, hoa an toàn; trồng ngô và dưa Hấu trên đất một vụ lúa đang ngày càng phát huy hiệu quả. Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình nhân giống cá Bỗng, nuôi lợn, nuôi trâu sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được kỳ vọng trở thành động lực phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Nối tiếp thành quả về KHKT, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp đem đến cơ hội rộng mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, Công ty TNHH MTV chè Quang Bình cam kết đầu tư, thu mua, chế biến chè; Công ty TNHH MTV Quang Anh ký kết bao tiêu toàn bộ lúa hàng hóa; Công ty TNHH An Đạt Thành đầu tư phân loại, đóng gói và bảo quản cam quả; liên kết sản xuất vùng trồng mía nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương; phối hợp cùng Công ty TNHH Tây Côn Lĩnh đầu tư gia trại nuôi bò hàng hóa. Các nội dung hợp tác cho thấy bức tranh toàn diện và hướng đi vững chắc, tạo môi trường ổn định trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình đưa KHKT vào sản xuất nông nghiệp còn những khó khăn nhất định, nhất là cơ chế, chính sách duy trì các kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm cây, con giống đạt chất lượng. Thêm vào đó, nguồn lực để thực hiện kế hoạch đột phá KHKT còn hạn hẹp, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao là những “rào cản” ảnh hưởng đến việc áp dụng KHKT.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Phùng Viết Vinh, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống của bà con. Quan điểm của huyện là tập trung vào những cây, con chủ lực, không dàn trải và hình thành các vùng sản xuất rõ nét theo tiềm năng, thế mạnh của từng xã, thị trấn. Ưu tiên quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản và làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng sức cạnh tranh ngoài thị trường…
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc