Điểm nhấn ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp
BHG - Tỉnh ta có khoảng 90 vạn dân, trong đó trên 80% dân số sống bằng sản xuất nông - lâm nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp luôn được tỉnh xác định là “trụ cột” chính trong phát triển kinh tế. Vì vậy, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm được cấp ủy, chính quyền và ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm và bước đầu đã có những điểm nhấn nhất định.
Cán bộ Trung tâm khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức kiểm tra cây Đan sâm đang được nhân giống tại phòng nuôi cấy mô. |
Chúng tôi đến Trung tâm Khoa học kỹ thuật (KHKT) Giống cây trồng Đạo Đức, một trong những đơn vị đi đầu về ứng dụng KH&CN trong sản xuất giống cây lâm nghiệp và dược liệu của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tiến sỹ Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: Từ năm 2014, Trung tâm đã thí điểm thực hiện phương pháp Invitro (nuôi cấy mô tế bào) trong sản xuất giống cây dược liệu. Ngoài ra, những năm qua Trung tâm thực hiện sản xuất giống các loại cây lâm nghiệp chất lượng cao như Keo lai mô, Keo hạt Úc… Hiện nay, Trung tâm đã làm chủ phương pháp nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống nhiều loại cây dược liệu, như: Đan sâm, Hà thủ ô đỏ, Giảo cổ lam, lan Kim tuyến, Đinh lăng, Bình vôi, Thục đoạn, Ba kích tím…
Theo thông tin từ Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, năm 2017, Trung tâm đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 60 vạn cây keo giống chất lượng cao, năm 2018 dự kiến sản xuất 80 vạn cây. Ngoài ra, trung tâm còn sản xuất thêm khoảng 40 vạn cây lâm nghiệp loại khác theo đơn đặt hàng của các cá nhân, tổ chức. Trung tâm cũng đã cung ứng giống cây Đan sâm được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào cho Công ty Cổ phần dược liệu Anvy trồng khảo nghiệm tại xã Quyết Tiến và đã cho năng suất đạt trung bình khoảng 2,1kg/gốc, cao hơn 1,5 – 2 lần trồng bằng hạt. Ngoài năng suất, hoạt chất dược liệu trong củ Đan sâm cũng cao hơn so với trồng bằng giống được sản xuất bằng phương pháp khác. Vì vậy, năm 2018, Công ty Cổ phần dược liệu Anvy tiếp tục đặt hàng Trung tâm sản xuất và cung ứng 100.000 cây Đan sâm. “Những sản phẩm giống cây trồng của Trung tâm sản xuất trong thời gian qua đều phù hợp với chủ trương phát triển của tỉnh và được Trung tâm chủ động ứng dụng KHKT, sử dụng giống tốt trong sản xuất. Dự kiến đến năm 2020, Trung tâm có thể sản xuất được trên 20 giống dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và có thể đáp ứng nhu cầu giống cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nếu đặt hàng”, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, Vũ Văn Hiếu khẳng định.
Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng KH&CN để sản xuất tinh trâu, bò phục vụ Chương trình thụ tinh nhân tạo, nâng cao thể trạng đàn gia súc, đáp ứng sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực chăn nuôi mà tỉnh đang triển khai.
Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng, Mai Thị Nhung cho biết: Trước đây, Trung tâm đã sản xuất thành công tinh bò đông viên phục vụ cho nhu cầu thụ tinh nhân tạo trên đàn bò của các địa phương trong tỉnh, nhằm cải tạo tầm vóc, nâng cao năng suất thịt mà vẫn giữ được nguồn gen giống bò Vàng vùng cao thuần chủng. Nhưng từ năm 2017, nhận thấy nhiều ưu điểm của phương pháp thụ tinh nhân tạo bò bằng tinh cọng rạ, trung tâm đã học tập, nghiên cứu các phương pháp khoa học tiên tiến hơn và sản xuất thành công tinh cọng rạ bò.
Theo báo cáo của Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, năm 2018 Trung tâm sẽ sản xuất gần 3.100 liều tinh cọng rạ để cung ứng cho 8 huyện gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Tính đến 1.6.2018, Trung tâm đã sản xuất được 2.367 liều. Ưu điểm của tinh cọng rạ là giảm đến mức thấp nhất sự nhiễm khuẩn trong bảo quản, sử dụng; có thể ghi được số hiệu của từng đực giống trên cọng rạ nên dễ dàng trong công tác quản lý giống và lập lý lịch giống; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò cọng rạ rất đơn giản và dễ thực hiện. Hơn hết, thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ có tỷ lệ thành công trên 70%, cao hơn 20% so với tỷ lệ thành công của Tinh đông viên.
Cây dược liệu, lâm nghiệp và con trâu, bò là những cây, con thế mạnh, chủ lực đã được tỉnh xác định tập trung phát triển trong nhiều năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Đề án nhằm định hướng và hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển các loại cây, con này. Vì vậy, thành công của Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức trong sản xuất giống dược liệu, cây lâm nghiệp và Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi Phó Bảng trong sản xuất tinh cọng rạ sẽ giúp chủ động nguồn giống, giảm giá thành cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất. Đồng thời đóng góp vào kết quả những định hướng, mục tiêu mà tỉnh ta đã đặt ra.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc