Tận dụng cơ hội "Công nghiệp 4.0"
BHG - Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không ngừng phát triển vượt bậc thông qua 3 cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật (KHKT). Cuộc cách mạng đầu tiên của thế giới xuất phát từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 khi người biết sử dụng hơi nước, tạo ra máy móc thay cho sức người, sau đó lần lượt tạo ra điện, dây dẫn điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 (còn gọi cuộc cách mạng KHKT lần 2) diễn ra vào cuối thế kỷ 19 đến những thập niên đầu thế kỷ 20. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 diễn ra từ những năm 1970 đến gần đây, với sự ra đời của sản xuất tự động hóa dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và internet tạo nên thế giới kết nối.
Năm 2013, cụm từ “Công nghiệp 4.0” nổi lên từ một báo cáo của Chính phủ Đức đã đề cập đến, nhằm nói tới chiến lược phát triển công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thực tế cho thấy, thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Sản xuất gắn với những đột phá chưa từng có về công nghệ; liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo..., để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cùng với đó là những thành tựu đã và đang hiện hữu ở các nước phát triển, như sự ra đời của robot có trí tuệ nhân tạo, mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội có thể thay thế con người, người máy có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi con người khả năng đó là có hạn.
Cuộc cách mạng “Công nghiệp 4.0” được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, doanh nghiệp và toàn cầu cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất theo xu thế mới. Đất nước ta đã, đang trong xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Thực tế đã minh chứng, từ chính sách vĩ mô đến vi mô, sản xuất và đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, phát triển và tiến bộ vượt bậc. Thể hiện rất rõ tốc độ phát triển kinh tế đất nước năm 2018 dự kiến đạt 6,82% (theo báo cáo từ Chính phủ), cao nhất từ trước đến nay, theo dự đoán tốc độ này có thể tăng cao hơn nữa do nước ta là nước đang phát triển, còn nhiều cơ hội tiềm năng. Năng suất lao động không ngừng được tăng cao, thể hiện trình độ công nghệ thiết bị sản xuất không ngừng được đầu tư phát triển. Nhiều tiến bộ KHKT được chuyển giao từ các nước phát triển đến Việt Nam và đạt thành tựu rất cao, hiệu quả, như công nghệ thông tin internet. Đây là tiến bộ vượt bậc, góp phần kết nối giữa con người với nhau, cung cấp thông tin về tiến bộ KHKT nhanh, hiệu quả.
Việc đầu tư nâng cao trình độ công nghệ sản xuất nội tại đã không ngừng phát triển, thu hút đầu tư hợp tác liên doanh các nước trên thế giới, thành tựu to lớn là sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao cho xã hội; nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước trên thế giới; đóng góp tích cực cho tốc độ phát triển chung của đất nước, trong đó có Hà Giang. Tuy nhiên, tiến bộ KHKT và xu thế của Cuộc cách mạng “Công nghiệp 4.0” sẽ có tác động, thách thức không nhỏ đến đời sống lao động, việc làm và tăng trưởng của đất nước trong thời gian tới. Đặc biệt đối với Hà Giang, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, chậm phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển và thu hút đầu tư tiến bộ KHKT vào sản xuất là quan trọng số một; nhằm mục tiêu khai thác và phát triển tối ưu tiềm năng tại địa phương, đòi hỏi cần có chính sách thỏa đáng, căn cơ thu hút nhân tài và các nhà đầu tư trong nước, Quốc tế. Song song với đó là chính sách khởi nghiệp tại địa phương cần được triển khai quyết liệt.
Với mục tiêu phát triển tiềm năng nhân lực tại địa phương, phát triển nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp khoa học & công nghệ; tạo ra nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương đạt trình độ công nghệ cao để xuất khẩu; chính sách khởi nghiệp phải gắn với nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nhân lực. Mỗi đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng gắn với đào tạo, phải tạo ra một sản phẩm mới, nhân lực mới, nhân lực đạt trình độ cao, đáp ứng yêu cầu xu thế “Công nghiệp 4.0”. Nói cách khác, mỗi đề tài, dự án phải đạt hàm lượng KHCN cao, đảm bảo là một sáng kiến mới, đạt trình độ tích hợp công nghệ tối ưu để vừa tạo ra nguồn nhân lực trình độ công nghệ cao, sản phẩm mới đạt chuẩn cho xuất khẩu, vừa tạo thêm nhiều việc làm mới. Đồng thời với đó là chính sách phát triển du lịch phải được chi tiết, đạt được chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch, như du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao; đáp ứng nhu cầu thu hút nhiều du khách trong nước cũng như của nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm; góp phần tăng nguồn thu ngân sách, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Hy vọng, với chính sách quy hoạch, thu hút đầu tư đi liền với chính sách nghiên cứu ứng dụng khởi nghiệp gắn đào tạo nguồn nhân lực, phát triển du lịch được thực hiện đồng bộ, sẽ tạo ra “luồng gió” mới cho phát triển KT-XH tỉnh nhà trong xu thế “Công nghiệp 4.0” hiện nay.
Th.sỹ: Nguyễn Văn Bình (Sở KH&CN)
Ý kiến bạn đọc