kỹ thuật tạo hình, cắt tỉa cây ăn quả

07:52, 19/12/2017

BHG - Trong những năm qua, việc phát triển vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chưa được người dân chú trọng về kỹ thuật đốn tỉa cành, tạo tán cho cây. Do đó, các vườn cây tập trung phát triển chiều cao gây khó khăn cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, làm giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, để vườn cây ăn quả phát triển, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hiệu quả kinh tế, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật tạo hình, cắt tỉa cây ăn quả như sau:

1. Một số nguyên tắc về tỉa cành tạo hình cây ăn quả

- Điều tiết hình dạng, kích cỡ cây sao cho đạt hiệu suất quang hợp tối ưu, tăng số cành hữu hiệu (cành có khả năng mang quả), giảm cành vô hiệu, cành khô chết, cành sâu bệnh trong tán, dễ dàng áp dụng các biện pháp canh tác khác vào chăm sóc và thu hoạch quả.

- Tạo cho tán cây phát triển tán theo chiều ngang để tăng hiệu suất đơn vị diện tích lá/đơn vị diện tích đất canh tác.

- Cải thiện hiệu suất quang hợp của lá, tận dụng tối ưu nguồn ánh sáng, tăng năng suất/đơn vị diện tích và tăng phẩm chất quả.

- Luôn giữ ổn định số cành có khả năng cho quả ở mức độ tối ưu/ tán lá.

2. Kỹ thuật tạo hình

- Tạo hình hay còn gọi là tạo tán là kỹ thuật rất cần thiết đối với cây ăn quả, tiến hành trong suốt cả chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây nhưng ở giai đoạn đầu cần đặc biệt chú ý vì nó quyết định cấu trúc bộ khung tán của cây về sau. Tạo hình là việc làm cần thiết ngay trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (từ năm thứ 1 đến năm thứ 3) với mục đích:

+ Nhằm tạo lập một hình thái cây trồng có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, đồng thời khống chế và duy trì chiều cao của cây trồng trong tầm kiểm soát để thuận lợi trong việc quản lý vườn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh.

+ Hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc nhằm tránh đỗ ngã, gãy nhánh từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp cho cây.

+ Tăng diện tích lá hữu hiệu cho quang hợp của bộ lá. Duy trì sức sống tốt của cây, bảo đảm sự cân bằng sinh trưởng và kết quả. Luôn luôn duy trì khả năng cho quả ở mức cao.

- Các bước tiến hành:

+ Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, kỹ thuật tạo hình được chú trọng và chủ yếu áp dụng hai kiểu tạo hình chính là: Kiểu mở tâm (ở giữa thoáng) và kiểu một trục chính. Theo đó, trên một cây thường chỉ để từ 3- 4 cành chính (cành cấp 1) phân bố đều ra các hướng làm khung cho các cành cấp 2 phát triển về sau. Thao tác cắt tỉa phụ thuộc vào tình trạng sinh trưởng cụ thể của từng loại cây, nhưng nói chung nên cắt các cành cong queo, cành nhỏ yếu, cành ở nơi quá dày… để tạo độ thông thoáng trong tán lá.

Chú ý: Việc cắt tỉa được thực hiện vào thời gian trước khi ra lộc.

+ Các bước tiến hành cụ thể như sau:

Sau khi trồng, cây được tưới nước đầy đủ để phục hồi sinh trưởng. Khi cây xuất hiện mầm non đầu tiên (chứng tỏ bộ rễ đã phục hồi và đã thích nghi với môi trường mới, bộ rễ bắt đầu hấp thụ các chất dinh dưỡng) thì tiến hành bấm ngọn để các mầm ngủ và cành bên phát triển (từ vị trí mắt ghép hướng lên trên khoảng 50-60cm).

Chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1, dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35-400. Sau khi cành cấp 1 phát triển, có độ dài từ 50- 80 cm thì cắt ngọn để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển hình thành cành cấp 2.

Khi cành cấp 2 phát triển, trên mỗi cành cấp 1 chỉ để từ 2-3 cành cấp 2. Các cành cấp 2 trên 1 cành cấp 1, cách nhau khoảng 15- 20cm và tạo với cành cấp 1 một góc 30 – 350. Sau đó, tiến hành cắt mầm ngọn cành cấp 2 với phương pháp như bấm ngọn cành cấp 1 để từ cành cấp 2 sẽ hình thành những cành cấp 3. Các cành cấp 3, cấp 4… không hạn chế về số lượng và chiều dài nhưng cần loại bỏ các chỗ cành mọc quá dày hoặc quá yếu. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối, thuận lợi trong chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thuận tiên cho quá trình thu hoạch quả.

3.  Kỹ thuật tỉa cành

Tỉa cành có liên quan mật thiết với tạo hình, mục đích của tạo hình và tỉa cành là làm cho các cành chính và cành nhánh phân bố đều, khung cành có kết cấu vững chắc phù hợp với đặc tính vốn có của cây và điều kiện ngoại cảnh cũng như trình độ canh tác của địa phương, làm cơ sở cho việc nâng cao và ổn định năng suất.

Tỉa cành là công việc được tiến hành hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch nhưng để việc tỉa cành có hiệu quả cao cần phải xem xét đến đặc thù của từng loại cây, đến vị trí hình thành chùm hoa, chùm quả mà quyết định tỉa cành tạo tán cho phù hợp như:

- Tạo cho cây có bộ khung, tán khoẻ mạnh.

- Tạo những cành mang quả trẻ, có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh và phân bố giống nhau trên khung (sườn) và cành mẹ (cành chính).

- Thay thế những cành già, loại bỏ cành sâu bệnh, cành chết, cành vô hiệu… không có khả năng cho quả bằng những cành non trẻ trong những năm tiếp theo.

- Loại bỏ những cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời kỳ cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.

Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán không đòi hỏi vốn đầu tư và lao động chuyên môn cao. Tuy nhiên, cần có kiến thức căn bản và kinh nghiệm áp dụng qua thời gian cho từng loại cây là rất cần thiết. Việc quản lý, điều tiết bộ khung, tán của cây trồng cần phải được quan tâm, áp dụng như là một trong những biện pháp căn bản hài hòa cùng với các biện pháp bắt buộc khác như: Làm cỏ, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh…

Hoàng Ngọc Tuyên

(Biên soạn)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 209

BHG - Nhằm nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 209 HĐND tỉnh, cũng như Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; vụ Mùa 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang đã triển khai 5 mô hình về quản lý dịch hại tổng hợp (gọi tắt là IPM) tại 5 huyện trồng chè trọng điểm của tỉnh, gồm: Quang Minh (Bắc Quang), Tân Bắc (Quang Bình), Ngọc Minh (Vị Xuyên), Chế Là (Xín Mần) và Nậm Ty (Hoàng Su Phì). Bên cạnh đó, Chi cục còn triển khai 4 mô hình IPM trên cây cam tại các xã: Quảng Ngần (Vị Xuyên), Tiên Kiều (Bắc Quang), Vĩ Thượng, Hương Sơn (Quang Bình).

30/11/2017
Chợ nông sản điện tử: Mang sản phẩm "Sạch" của Hà Giang đến tay người tiêu dùng

BHG - Không giao dịch bằng tiền mặt, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng và kết nối Internet, khách hàng có thể chọn mua những sản phẩm nông sản của thanh niên Hà Giang có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Đó là điểm nhấn ấn tượng khi tham quan gian hàng "Chợ nông sản điện tử" của Tỉnh đoàn tại không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang năm nay.

27/11/2017
Học sinh Hà Giang đoạt giải Nhì cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc" năm 2017

BHG - Tối 25.10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi "Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc" lần thứ 13, năm 2017.  

26/10/2017
Facebook sắp sửa thu tiền các kênh tin tức?

Mạng xã hội Facebook đang thử nghiệm việc đưa tất cả những nội dung tin tức không được trả tiền sang một bảng cấp tin (News Feed) riêng.

25/10/2017