Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 209
BHG - Nhằm nâng cao hiệu quả của Nghị quyết 209 HĐND tỉnh, cũng như Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; vụ Mùa 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang đã triển khai 5 mô hình về quản lý dịch hại tổng hợp (gọi tắt là IPM) tại 5 huyện trồng chè trọng điểm của tỉnh, gồm: Quang Minh (Bắc Quang), Tân Bắc (Quang Bình), Ngọc Minh (Vị Xuyên), Chế Là (Xín Mần) và Nậm Ty (Hoàng Su Phì). Bên cạnh đó, Chi cục còn triển khai 4 mô hình IPM trên cây cam tại các xã: Quảng Ngần (Vị Xuyên), Tiên Kiều (Bắc Quang), Vĩ Thượng, Hương Sơn (Quang Bình).
Các học viên của mô hình IPM tham gia điều tra sâu bện và hệ sinh thái vườn cam. |
Một khu vực trồng chè của xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) được áp dụng mô hình IPM. |
Mỗi mô hình IPM có 35 học viên tham gia. Các học viên là cán bộ nông nghiệp xã, Trưởng thôn, bản và các hộ nông dân trực tiếp trồng chè, trồng cam của các xã có mô hình.
Mục tiêu của chương trình IPM trên cây cam và cây chè nhằm tạo cho vườn cam, chè sinh trưởng khỏe bằng các biện pháp kỹ thuật như: Bón phân, tưới nước, trừ cỏ dại… góp phần tăng năng suất cây trồng, giữ cân bằng và bền vững hệ sinh thái vườn cây để bảo vệ các loài thiên địch có ích trên vườn cam và chè, khống chế và tiêu diệt các loài sâu hại mà không cần (hoặc rất ít) dùng đến các loại thuốc trừ sâu nhưng vẫn đảm bảo năng suất cây trồng; giải pháp này, không những làm giảm chi phí đầu tư cho nông dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm cam, chè. Ngoài ra, Chương trình IPM cũng hướng đến mục tiêu đào tạo những nông dân trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng bằng phương pháp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”. Để từ đó, người nông dân có thể tự xử lý những vấn đề phát sinh về sinh trưởng, sâu bệnh trên vườn cam và nương chè của gia đình. Sau khi kết thúc các mô hình đều có tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Qua thực tế cho thấy, các mô hình IPM trên cây cam, chè đã giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn giữ vững và nâng cao năng suất trên cây cam, chè. Đặc biệt, chương trình hướng đến không cần sử dụng thuốc trừ sâu nên sẽ tạo ra sản phẩm cam, chè an toàn đối với người tiêu dùng trong nước và phục vụ cho xuất khẩu. Đây chính là tiền đề để nâng cao vị thế cũng như thương hiệu của sản phẩm cam, chè của Hà Giang trên thị trường trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và tạo nền tảng hình thành các vùng sản xuất cam, chè trên địa bàn tỉnh theo hướng hàng hóa.
Bài, ảnh: Phạm Văn Phú (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)
Ý kiến bạn đọc