Hội thảo khoa học "Trung tâm Học tập cộng đồng ở Hà Giang thực trạng và giải pháp phát triển"
BHG - Ngày 29.3, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Trung tâm Học tập cộng đồng ở Hà Giang thực trạng và giải pháp phát triển”. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có Tiến sĩ Susan Vize, Giám đốc Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội, Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: Trong những năm qua tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), qua đó góp phần rất lớn trong nâng cao dân trí, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến mong muốn, qua hội thảo khoa học lần này sẽ chỉ ra được những hạn chế trong hệ thống giáo dục cộng đồng và phát triển xã hội học tập ở Hà Giang mà hạt nhân là các TTHTCĐ. Đề xuất xây dựng mô hình thí điểm trong giáo dục cộng đồng tại thành phố Hà Giang với sự tham gia tham vấn của các chuyên gia và trí thức ở các nước phát triển. Đồng thời, tạo môi trường chia sẻ thông tin, tìm tới sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế, các tình nguyện viên, thúc đẩy tiềm năng, cơ hội hợp tác triển khai các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – văn hóa và phát triển cộng đồng…
Mô hình TTHTCĐ tỉnh Hà Giang được thí điểm đầu tiên tại xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên vào năm 2003, với sự tài trợ thông qua một dự án của Nhật Bản. Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống các TTHTCĐ nhanh chóng được thành lập. Đến năm 2011, 195 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập đủ TTHTCĐ với 187 giáo viên biệt phái. Thông qua hoạt động của các TTHTCĐ đã tạo điều kiện cho trên 30% số lao động nông thôn được học tập kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất. Tạo điều kiện cho đông đảo người dân trong cộng đồng có điều kiện thực hiện mục tiêu học tập suốt đời; góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập; bình quân mỗi năm học, các TTHTCĐ đã tổ chức mở được 1.633 lớp chuyên đề về học tập kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cộng nghệ sản xuất với trên 100 nghìn lượt người tham gia. Đặc biệt các TTHTCĐ đã mở một lượng lớn các lớp học xóa mù chữ và bổ túc sau khi xóa mù chữ giúp cho người dân không rơi vào tình trạng mù chữ. Tuy nhiên nhận thức của phần lớn nhân dân về ý nghĩa, vai trò của trung tâm học tập cộng đông còn hạn chế; nhu cầu học tập, cập nhật kiến thức, thông tin của cộng đồng dân cư chưa trở thành nhu cầu cấp thiết, thường xuyên; hầu hết các TTHTCĐ chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy chế tổ chức và hoạt động; việc xây dựng kế hoạch hoạt động của trung tâm chưa sát với thực tế, việc triển khai thực hiện kế hoạch chưa hiệu quả, một số trung tâm mang tính hình thức, thời vụ; kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển TTHTCĐ và những mô hình thành công trong nước, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Bài học và ý tưởng xây dựng mô hình TTHTCĐ khu vực đô thị tại Việt Nam… Từ đó đưa ra giải pháp để phát huy có hiệu quả vai trò các TTHTCĐ tại các địa phương. Cùng với đó, các chuyên gia cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với các TTHTCĐ tại Hà Giang; những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng TTHTCĐ trong thời gian tới.
Tin, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc