Bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính
BHG- Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh khóa XVI về Cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phát triển KT-XH, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến (HNTHTT) đến cấp xã đối với các huyện, thành phố; nhằm phát huy sự lãnh, chỉ đạo kịp thời từ tỉnh, huyện đến các xã, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đây là một trong những việc làm thiết thực cụ thể hóa Chỉ thị số 21, ngày 21/12/2012 của BCH T.Ư Đảng về Hạn chế tối đa các hội nghị tập trung có qui mô lớn và là một bước đi trong tiến trình CCHC, hướng tới Chính quyền điện tử của tỉnh.
Huyện Đồng Văn khai trương Hệ thống HNTHTT. |
Sau khi có chủ trương và sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Xín Mần đã tiên phong phối hợp cùng Viettel Hà Giang triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống HNTHTT đến hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Tiếp theo, Viễn thông Hà Giang (VNPT) phối hợp với các huyện Mèo Vạc lắp đặt 18 điểm, Đồng Văn 18 điểm, Yên Minh 17 điểm, Quản Bạ 13 điểm, Bắc Mê 14 điểm, Vị Xuyên 24 điểm, Bắc Quang 6 điểm, Quang Bình 16 điểm, Hoàng Su Phì 25 điểm đã. Đến nay, sau gần 3 tuần triển khai, toàn tỉnh đã thiết lập và đưa vào sử dụng trên 110 điểm cầu; một số đơn vị đã hoàn thành lắp đặt, sắp khai trương gồm: Bắc Quang, Quang Bình; một số huyện đang trong quá trình lắp đặt, dự kiến hoàn thành trước 25.3.2017, bao gồm: Hoàng Su Phì, Yên Minh và Bắc Mê.
Đồng chí Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc VNPT Hà Giang cho biết: Qua đánh giá tại một số đơn vị đã đưa vào sử dụng, cho thấy đây là giải pháp khá mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với xu hướng công nghệ trên nền “điện toán đám mây”. Hệ thống này cũng đã được áp dụng hiệu quả tại hơn 800 điểm cầu của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và trên 700 điểm cầu của Tòa án Nhân dân tối cao cùng một số bộ, ngành trên cả nước. Với mức đầu tư ban đầu thấp, khoảng 30 triệu đồng/điểm đã bao gồm màn hình ti vi Sony 48 inch, thiết bị CPU HNTH, camera, microphone; cước hàng tháng 500.000/điểm, đảm bảo mức đầu tư và chi phí thường xuyên của các xã. Ngoài ra, hệ thống được kết nối liên thông với các thiết bị HNTHTT hiện có đã được tỉnh đầu tư, do đó các cuộc họp trực tuyến từ tỉnh các xã đều có thể tham gia họp trực tiếp. Bên cạnh đó, đối với cấp huyện, hệ thống rất linh hoạt trong việc tổ chức các cuộc họp, lãnh đạo huyện đi công tác ra khỏi địa bàn có thể sử dụng máy tính xách tay để tham gia họp và chỉ đạo trực tiếp. Hình ảnh (HD 720p) cho chất lượng hình ảnh, âm thanh tương đối tốt, việc tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo có thể áp dụng hình thức chia sẻ file trình chiếu hoặc hướng dẫn trực tiếp trên máy tại điểm cầu trung tâm các đơn vị đều theo dõi được... Một điểm đáng quan tâm là hệ thống dễ sử dụng, vận hành khai thác đơn giản, phổ thông, do đó các xã có thể tiếp cận...
Đối với các huyện, thành phố, việc triển khai hệ thống đến cấp xã thực sự mang lại hiệu quả, không chỉ tiết kiệm được vật chất, thời gian, sức lực của cán bộ, mà công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh, huyện đến với cơ sở một cách nhanh nhất, chính xác nhất, đồng bộ nhất cũng là mục tiêu vô cùng quan trọng.
Đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên – Đơn vị vừa khai trương Hệ thống HNTHTT ngày 17.3, cho biết: Những năm qua, huyện Vị Xuyên đã đạt được những kết quả quan trọng trong ứng dụng CNTT phục vụ CCHC. Để tiếp tục đẩy mạnh CCHC theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và hướng tới Chính quyền điện tử, sau khi tham khảo, xem xét một số đơn vị cung cấp dịch vụ, địa phương đã phối hợp cùng VNPT Hà Giang đầu tư, lắp đặt 24 điểm HNTHTT đến 24 xã. Qua triển khai, vận hành cho thấy: Hệ thống này có chất lượng âm thanh, hình ảnh rõ nét, dễ vận hành, rất phù hợp với điều kiện của các xã. Với kết quả bước đầu khá tích cực, thời gian tới, tận dụng những tính năng ưu việt của hệ thống này, huyện sẽ khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống để chỉ đạo, điều hành cơ sở thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH; đặc biệt là việc triển khai các nghị quyết, giám sát, đôn đốc công việc sẽ được tăng cường...
Đối với cấp xã, hệ thống thực sự mang lại, niềm vui cho cán bộ, đặc biệt là những xã xa trung tâm huyện. Đồng chí Đặng Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vĩ – một xã xa trung tâm nhất của huyện Mèo Vạc cho biết: Khi chưa triển khai hệ thống, lãnh đạo xã thường xuyên phải ra huyện họp, mỗi lần như vậy phải di chuyển quãng đường trên 50 km, đường sá lại xuống cấp nên rất vất vả và tốn kém. Nay mỗi kỳ cuộc huyện triệu tập họp, lãnh đạo xã chỉ việc triệu tập cán bộ đến phòng họp trực tuyến của xã là có thể tiếp thu những chỉ đạo, điều hành của huyện; đồng thời cũng có những đề xuất, kiến nghị trực tiếp với huyện...
Về nhiệm vụ ứng dụng CNTT phục vụ CCHC trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các huyện, thành phố lắp đặt hệ thống HNTHTT đến tất cả các xã, phường, thị trấn nhằm cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư Đảng, Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về CCHC, ứng dụng CNTT từng bước hướng tới Chính quyền địa tử. Để phát huy hiệu quả của hệ thống, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ sử dụng hệ thống trực tuyến tại huyện và ở điểm cầu tại các xã. Các xã phải quản lý, bảo quản, sử dụng hiệu quả trang thiết bị được đầu tư. Với kết quả bước đầu đạt được, dự kiến trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tổ chức phiên họp đầu tiên của quý II/2017 trên hệ thống này, ngoài ra công tác triển khai nghị quyết, giám sát điều hành, đôn đốc công việc sẽ được tăng cường trực tiếp từ tỉnh đến xã nhằm phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc