Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của tỉnh
BHG - Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.664 chứng thư số, 2.500 chữ ký số đã cấp cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã đưa vào sử dụng toàn diện, thống nhất phần mềm Quản lý Văn bản điều hành điện tử (VNPTIOffice) đến 100% đầu mối cơ quan, đơn vị... Điều này khẳng định, công nghệ thông tin (CNTT) đang được ứng dụng mạnh mẽ, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nâng cao năng suất công việc.
“Năm 2016, tỉnh ta tiếp tục ghi dấu ấn khi giữ vững vị trí một trong những địa phương đứng đầu cả nước về ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức” - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Văn Tuệ tự hào chia sẻ. Ông Tuệ cho biết thêm, bối cảnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm qua gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta vẫn giữ vững vị trí nằm trong tốp đầu về ứng dụng CNTT. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.664 chứng thư số, 2.500 chữ ký số được cấp cho lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, qua đó tiến trình giải quyết công việc thuận hơn, người dân, doanh nghiệp, tổ chức... không mất nhiều thời gian chờ đợi. Thay vì các văn bản trình ký luôn chất cao trên bàn lãnh đạo, thì nay trên đường công tác, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoàn toàn có thể ký qua môi trường mạng, chuyển bộ phận chuyên môn phát hành. Trong năm vừa qua, bản thân ông Tuệ đã xử lý hàng trăm văn bản bằng chữ ký số trên môi trường mạng, qua đó việc giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý luôn hoàn thành trước thời hạn quy định.
Cán bộ, CCVC Báo Hà Giang xử lý văn bản trên môi trường mạng. |
Năm 2016, Báo Hà Giang cũng là một trong những cơ quan sớm triển khai ứng dụng phần mềm VNPTIOffice. Nếu như trước đây, các văn bản đến và đi phải phô - tô gửi các phòng nghiệp vụ, cán bộ nào quan tâm phải chụp lại, như vậy vừa mất thời gian, phát sinh chi phí văn phòng phẩm, hơn nữa thông tin không được xử lý kịp thời. Nhưng từ khi triển khai phần mềm VNPTIOffice, toàn bộ văn bản đến, đi được xử lý trên môi trường mạng và thông báo qua hệ thống tin nhắn đến số điện thoại của cán bộ, công chức, viên chức nên thông tin chỉ đạo, điều hành được xử lý kịp thời, hiệu quả công việc được nâng cao rất nhiều... Hiện nay, tỉnh ta đã đưa vào sử dụng toàn diện, thống nhất phần mềm VNPTIOffice đến 100% sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn với hàng chục nghìn văn bản điện tử được trao đổi, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả xử lý công việc.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuệ, kết quả đạt được đã chứng minh quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn luôn ưu tiên, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và coi CNTT là đột phá của đột phá. Chính vì vậy, đến nay hầu hết các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có hệ thống cáp quang đến trung tâm; toàn tỉnh có 1.085 trạm thu phát sóng 2G, 3G; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%; tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng lên, đạt 92%; máy tính kết nối Internet đạt gần 96%. Hiện tại, các cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, huyện đã hoàn thành triển khai mạng nội bộ, trang bị máy chủ và các phần mềm, phần cứng an toàn thông tin, đảm bảo khả năng kết nối với trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được đầu tư phục vụ kết nối các hệ thống giao ban điện tử của tỉnh với T.Ư. Trung tâm tích hợp dữ liệu đi vào hoạt động, trở thành hạ tầng kỹ thuật CNTT quan trọng, cho phép kết nối, liên kết, tích hợp ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ta đã hoàn thành tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm một cửa điện tử liên thông, đồng thời kết nối liên thông hệ thống một cửa điện tử tại 100% sở, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.
Kết quả đáng ghi nhận, năm qua toàn tỉnh triển khai tin học hóa 1.101 thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ban, ngành; 175 TTHC cấp huyện và 110 TTHC cấp xã trên hệ thống một cửa điện tử liên thông; liên thông 176 TTHC của các sở, ngành với Văn phòng UBND tỉnh. Tỉnh đã đầu tư và đảm bảo các hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện, hệ thống trực tuyến của T.Ư và ngành TT-TT hoạt động thường xuyên, phục vụ kịp thời chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần cải cách hành chính. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức, triển khai, duy trì, vận hành hiệu quả hệ thống thư điện tử công vụ; rà soát, điều chỉnh, cấp mới hộp thư điện tử công vụ cho cán bộ, công chức các cấp; cập nhật số điện thoại, hồ sơ danh bạ công chức điện tử trên cổng thông tin điện tử; triển khai tin nhắn và duy trì thương hiệu Brandname gắn với địa chỉ thư điện tử của 13 đồng chí lãnh đạo tỉnh trên hệ thống thư điện tử công vụ; tổ chức cấp, tập huấn, hướng dẫn sử dụng chứng thư số của Ban cơ yếu Chính phủ cho cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền ký trong hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước...
Giám đốc Sở TT-TT Nguyễn Văn Tuệ khẳng định, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan đang phát huy hiệu quả tích cực. Đơn cử như, trang thông tin điện tử của Sở GD-ĐT đã liên kết, tích hợp thông tin với trang thông tin quản lý giáo dục của 100% các Phòng GD-ĐT, trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và THCS trên địa bàn tỉnh. 100% các cơ sở giáo dục, trường học sử dụng phần mềm quản lý trường học, quản lý điểm thi, thi nghề phổ thông. Phần mềm thi đua khen thưởng, thống kê phổ cập giáo dục và chống mù chữ triển khai tới 100% cơ sở giáo dục, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của ngành trên các cấp học, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức dạy và học, đổi mới thi cử và đánh giá chất lượng giáo dục... Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp như xây dựng chuyên mục cử tri tương tác với đại biểu HĐND tỉnh trên trang thông tin điện tử, tạo kênh thông tin, trao đổi trực tuyến và giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cử tri liên quan đến cơ chế chính sách... chuyển ý kiến, kiến nghị đến ĐBQH - HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 thông qua trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Hà Giang cũng phát huy hiệu quả tích cực.
Với những tiến bộ vượt bậc trong ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, tỉnh ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, sức mạnh của khoa học, công nghệ sẽ góp phần tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc