Thài Phìn Tủng - "khu vườn" đa dạng sinh học kỳ thú trên Cao nguyên đá

07:30, 24/12/2016

BHG- Sau 2 giai đoạn triển khai, Dự án Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) đã tạo ra 15 nghìn cây giống của 4 loài thông quý hiếm, có nguy cơ tiệt chủng. Thành công của dự án đã đưa Thài Phìn Tủng trở thành “khu vườn” đa dạng sinh học kỳ thú, nơi lưu giữ các nguồn gen quý, hiếm vào loại bậc nhất trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời cũng đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây.

Các nhà khoa học nghiên cứu thực tế tại xã Thài Phìn Tủng.
Các nhà khoa học nghiên cứu thực tế tại xã Thài Phìn Tủng.

Mặc dù đã bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hy”, nhưng Tiến sỹ Lê Trần Chấn - Trung tâm Đa dạng và an toàn sinh học vẫn có đôi mắt tinh anh, nước da dám nắng chắc khỏe, cùng dáng đi nhanh nhẹn như con hổ, con báo trên rừng. Ông cho biết, đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng mình vẫn giữ được phong độ chính là nhờ những năm tháng leo núi, khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu về các loài gen thực vật quý, hiếm trên địa bàn xã Thài Phìn Tủng. Ngay từ năm 1999, ông đã đặt chân đến Thài Phìn Tủng theo diện mời tham gia thực hiện Chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển để phát triển nông thôn miền núi.

Nhớ lại quãng thời gian cách đây gần 20 năm, Tiến sỹ Lê Trần Chấn không thể quên hình ảnh đập vào mắt đầu tiên khi đến Thài Phìn Tủng chỉ 4 bề đá núi, sau đó là những cụ già, những thiếu niên vai trĩu nặng gùi đựng can nước được lấy từ thị trấn Đồng Văn, xa hơn nơi ở cả chục cây số để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Thài Phìn Tủng thiếu nước, không chỉ do hiện tượng ka-xtơ, một nguyên nhân không kém phần quan trọng do nơi đây hầu như không có rừng. Diện tích tự nhiên của xã hơn 3 nghìn ha, chỉ có 9 ha rừng, đất rừng, còn lại hầu hết núi đá trọc hoặc cây bụi, trảng cỏ. Qua tìm hiểu, Tiến sỹ Lê Trần Chấn được người dân cho biết, nơi đây đã từng có rừng với nhiều loài cây gỗ lớn, quý, hiếm như Nghiến, Trai... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến năm 1999 Thài Phìn Tủng hầu như không còn rừng.

Trong những ngày khảo sát tại Thài Phìn Tủng, Tiến sỹ Lê Trần Chấn đã phát hiện có loài Thông đỏ bắc, vào thời điểm này hầu như mới chỉ ghi nhận sự xuất hiện tại Hang Kia - Pà Cò (Mai Châu - Hòa Bình). Sau đó, ông còn phát hiện được cây Dẻ tùng sọc nâu - loài đặc hữu hẹp trước đó mới chỉ ghi nhận sự tồn tại ở Lũng Cú (Đồng Văn). Đặc biệt, còn phát hiện được Hoàng đàn rủ - loài cây được xem đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Riêng Thông tre lá ngắn thì có vài chục cá thể. Cả 4 loài cây này đều nằm trong Sách Đỏ Việt Nam năm 1996.

Sau những phát hiện có tính bước ngoặt, Tiến sỹ Lê Trần Chấn đã bén duyên và có thêm nhiều năm gắn bó với mảnh đất này khi Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ (GEF SGP) đã triển khai Dự án Bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học xã Thài Phìn Tủng. Chỉ trong vòng 3 năm thực hiện (2003-2006), dự án đã phát hiện thêm nhiều loài thực vật quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Nghị định 32 của Chính phủ như: Thông 5 lá Pà Cò, Thiết sam giả lá ngắn, Thiết sam núi đá, Du sam đá vôi, Mã hồ, Bảy lá một hoa, Hà thủ ô đỏ, Trai lý, Bạch huệ núi, Đỉnh tùng. Từ kết quả nghiên cứu đầy triển vọng này, Tiến sỹ Lê Trần Chấn rất vui mừng khi GEF SGP quyết định tài trợ giai đoạn 2 để tiến hành xây dựng vườn ươm, tạo cây giống bằng phương pháp giâm cành, thực hiện ước mơ lập lại màu xanh trên vùng núi đá của xã Thài Phìn Tủng bằng chính nguồn gen quý hiếm của địa phương. Gắn bó với những loài gen quý, hiếm từ khi vẫn còn là chồi non, Tiến sỹ Lê Trần Chấn càng vui hơn khi được chứng kiến có những cây Hoàng đàn rủ, Thông tre lá ngắn cao đến 4m, đường kính 10cm; cây Thông đỏ tuy chậm hơn một chút, nhưng cũng tràn đầy sức sống với cành lá xum xuê; tỷ lệ cây sống sau khi đưa ra khỏi vườn ươm đạt tới 70%.

Trao đổi với chúng tôi trong chuyến lên kiểm tra thực tế tại Thài Phìn Tủng cuối tháng 11 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình phát triển Liên hợp Quốc cho biết: Năm 2003, Quỹ Môi trường toàn cầu quyết định tài trợ, thực hiện dự án nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen quý, hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học ở xã Thài Phìn Tủng. Dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Đồng Văn thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện Môi trường phát triển bền vững, Trung tâm Đa dạng và an toàn sinh học. Dự án được triển khai khá bài bản với tiêu chí nâng cao nhận thức của người dân, các đoàn thể, chính quyền cùng vào cuộc bảo tồn, phát triển các giống cây quý.

Dự án có mục tiêu rõ ràng là bảo vệ, phát triển nguồn gen 4 loài thực vật quý, hiếm có nguy cơ đe dọa tiệt chủng gồm Thông đỏ, Hoàng đàn rủ, Dẻ tùng sọc nâu và Thông tre lá ngắn. Trong quá trình triển khai, dự án đưa ra 3 mô hình bảo tồn theo hộ gia đình, vườn sưu tập nhóm hộ gia đình và mô hình cộng đồng rải rác trong phạm vi xã Thài Phìn Tủng. Đến nay, dự án đã tạo ra được 15 nghìn cây giống của 4 loài thông quý hiếm, số cây giống được các hộ dân trồng trên vườn rừng có tỷ lệ sống khá cao, sinh trưởng phát triển tốt.

Chị Huyền cho biết thêm, cùng với việc bảo tồn đa dạng sinh học, Quỹ Môi trường toàn cầu đã quyết định tài trợ Dự án Bảo tồn giống bò vàng vùng cao, nhằm giúp các gia đình tham gia bảo tồn nguồn gen quý hiếm có thêm điều kiện cải thiện mức sống, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn nguồn gen vật nuôi cho người dân Thài Phìn Tủng. Dự án đã tài trợ cho 26 hộ, mỗi hộ vay 10 triệu đồng để nuôi bò, 4 hộ vay 15 triệu đồng mua bò đực giống. Đến nay, đàn bò của các hộ dân đã tăng được 72 con, bình quân mỗi hộ nuôi đã thu được 50 triệu đồng từ tiền bán bê con. Ngoài ra, Quỹ Môi trường toàn cầu còn chuyển giao lại cho Thài Phìn Tủng quản lý Quỹ vốn vay xoay vòng với số tiền trên 382 triệu đồng để phát triển đàn bò vàng.

Vừa qua, Quỹ Môi trường toàn cầu đã tiến hành khảo sát, đánh giá tính bền vững của dự án. Kết quả khảo sát khẳng định, dự án đã phát triển bền vững không chỉ về mặt bảo tồn mà cả về mặt nâng cao đời sống cho cộng đồng. Sức sống mãnh liệt, tốc độ sinh trưởng rất nhanh trong điều kiện thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt của các loài Thông tre lá ngắn, Hoàng đàn rủ, Thông đỏ... đã đưa Thài Phìn Tủng trở thành “khu vườn” thiên nhiên kỳ thú, nơi lưu giữ, bảo tồn, phát triển các loài gen quý, hiếm - Tiến sỹ Lê Trần Chấn nói.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các nhà mạng cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn

5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động gồm: Viettel, Vinaphone, Mobiphone, Vietnamobile và Gtel đã ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

31/10/2016
Công nghệ mạng di động 4G

 Công nghệ di động 4G LTE cung cấp băng thông rộng hơn, truyền tải dữ liệu nhanh hơn, dung lượng lớn hơn, là điều kiện lý tưởng để triển khai các dịch vụ truyền hình trực tuyến, video HD, game online…

27/10/2016
Nghiên cứu thuốc trừ sâu thảo mộc, triển vọng trong sản xuất rau an toàn

BHG - Rau xanh là một thức ăn thiết yếu, không thể thiếu hàng ngày của các gia đình. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, quy mô và mức độ sản xuất rau xanh ngày càng mở rộng ở nhiều nơi. Bên cạnh những loại rau đảm bảo an toàn, có không ít loại rau xanh đã đem đến sự hoài nghi, đặc biệt là rau nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây độc hại cho người tiêu dùng. 

26/11/2016
Hội thảo thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

BHG - Ngày 22.11, tại xã Mậu Duệ (Yên Minh), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Liên minh Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản. Dự Hội thảo có đại diện Liên minh Khoáng sản Việt Nam; lãnh đạo Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; lãnh đạo huyện và một số phòng, ban huyện Yên Minh, xã Mậu Duệ và đông đảo người dân trong xã.

22/11/2016