Nghiên cứu thuốc trừ sâu thảo mộc, triển vọng trong sản xuất rau an toàn
BHG - Rau xanh là một thức ăn thiết yếu, không thể thiếu hàng ngày của các gia đình. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn, quy mô và mức độ sản xuất rau xanh ngày càng mở rộng ở nhiều nơi. Bên cạnh những loại rau đảm bảo an toàn, có không ít loại rau xanh đã đem đến sự hoài nghi, đặc biệt là rau nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) gây độc hại cho người tiêu dùng.
Từ thực tế đó, những năm qua các ngành, các cấp trong tỉnh ta, trong đó đặc biệt là ngành NN&PTNT và Khoa học & công nghệ luôn quan tâm đến vấn đề thúc đẩy sản xuất rau an toàn. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 có đề cập đến việc đột phát trong ứng dụng KH&CN và Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Cụ thể hóa điều này, đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng thuốc trừ sâu thảo mộc trong sản xuất rau an toàn tại tỉnh Hà Giang” đã được tỉnh ta phê duyệt. Đề tài do Sở Khoc học & công nghệ quản lí; Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên là cơ quan thực hiện, triển khai tại các địa bàn có tiềm năng về trồng rau như: Vị Xuyên, Quản Bạ và thành phố Hà Giang.
Mô hình trồng rau nhà lưới của gia đình anh Đoàn Công Oánh ở thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, Vị Xuyên. |
Có thể nói, trong vòng 30 năm trở lại đây việc nghiên cứu, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc từ cây độc thiên nhiên đã được quan tâm ở nhiều nước. Ở Việt Nam, trong dân gian vẫn hay sử dụng nhiều loại cây độc để diệt côn trùng, giun, sán, sâu bọ gây hại... Những năm gần đây, việc nghiên cứu, sử dụng cây độc chế thuốc BVTV đã được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu quan tâm. Điều này xuất phát từ việc tình trạng nhập khẩu, lạm dụng thuốc hóa chất trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng gia tăng, tạo nên những mối nguy hại, đe dọa đến sức khỏe con người; gây mất cân bằng sinh thái, hủy hoại môi sinh, dẫn đến nhiều loài thiên địch, sinh vật bị mất đi hoặc giúp cho nhiều loại sâu hại có khả năng kháng thuốc.
Đối với Hà Giang, những năm qua chúng ta đã quen với cảnh người tiêu dùng phải lo lắng với rau xanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Việc sản xuất rau xanh tại địa phương thực tế vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu sử dụng của người dân. Theo ước tính, hiện tỉnh ta có 22.921 ha đất trồng rau xanh. Do nhu cầu sử dụng cao nên xu hướng phát triển rau an toàn cũng được các ngành, các cấp và người dân quan tâm. Từ thực tế trên, đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng thuốc trừ sâu thảo mộc trong sản xuất rau an toàn tại tỉnh Hà Giang” được hình thành nhằm bổ sung thành phần những loại thực vật bản địa của tỉnh trong phòng, trừ sâu hại cây trồng. Đồng thời, xác định quy trình chế biến thuốc trừ sâu thảo mộc từ những loài thực vật bản địa của tỉnh.
Trên cơ sở đó, Đề tài sẽ tập trung điều tra về tình hình sản xuất rau xanh, sử dụng thuốc BVTV trên rau, thành phần các loại sâu bệnh hại trên rau tại các vùng chuyên canh ra như: Ngọc Hà – thành phố Hà Giang; Đạo Đức – huyện Vị Xuyên; Quyết Tiến – huyện Quản Bạ. Điều tra về loại thuốc trừ sâu đã và đang sử dụng phổ biến, thời gian sử dụng, phương pháp sử dụng, thời gian cách ly, yếu tố môi trường. Thông qua đó, đánh giá hiện trạng tình hình sản xuất sau, tình hình sử dụng thuốc BVTV. Tiếp đó, Đề tài sẽ nghiên cứu xác định thành phần những loài thực vật bản địa có khả năng trừ dịch hại cây trồng.
Đề tài sẽ nghiên cứu pha chế thuốc trừ sâu thảo mộc từ những loài thực vật bản địa của Hà Giang. Nghiên cứu lựa chọn 4 loài thực vật bản địa, mỗi loài được nghiên cứu trên 5 loài sâu hại phổ biến trên rau xanh. Tiếp theo, Đề tài sẽ nghiên cứu ứng dụng và đánh giá hiệu quả của thuốc trừ sâu thảo mộc trong phòng trừ một số loài sâu hại chính trên rau tại Hà Giang.
Sau nghiên cứu, Đề tài sẽ được chuyển giao quy trình sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc trong sản xuất rau an toàn tại tỉnh ta. Gia đình các chị Bùi Thị Huê, Đoàn Công Oánh, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức, Vị Xuyên là 2 hộ nhận được sự hỗ trợ kinh phí ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh để xây dựng hệ thống nhà lưới trồng rau xanh cho biết, họ rất quan tâm đến việc trồng rau sạch để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc là một việc làm tốt và sẽ chờ đợi để sử dụng cho vườn rau của gia đình khi đề tài nghiên cứu thuốc trừ sâu thảo mộc được đưa vào ứng dụng.
Qua đó, sẽ góp phần quan trọng vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả sản xuất. Việc sản xuất được các loại rau sạch, sử dụng thuốc BVTV thảo mộc sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm sạch cho bữa ăn của người dân Hà Giang, tạo nên một hình ảnh thân thiện cho vùng đất du lịch đang trên đà phát triển.
Bài, ảnh: Huy Ba
Ý kiến bạn đọc