Hội nghị đánh giá tình hình quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà và phát triển chăn nuôi bò tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc
BHG- Chiều 3.10, tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà và phát triển chăn nuôi bò tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự có đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Sở Y tế; lãnh đạo Liên minh HTX và lãnh đạo 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến phát biểu tại Hội nghị. |
Sản phẩm mật ong Bạc hà được Bộ KH&CN cấp Giấy đăng ký chỉ dẫn địa lý (CD ĐL) Mèo Vạc vào tháng 3.2013. Năm 2014, Bộ KH&CN phê duyệt dự án “Quản lý và phát triển CDĐL Mèo Vạc dùng cho sản phẩm mật ong Bạc hà tỉnh Hà Giang”. Sau hơn một năm thực hiện, dự án được Bộ KH&CN nghiệm thu cấp Nhà nước vào tháng 9.2016; đến nay, đã thành lập Hội sản xuất và kinh doanh mật ong Cao nguyên đá với 146 hộ nuôi ong tham gia. Sở KH&CN đã xây dựng các văn bản của hệ thống quản lý nội bộ; xây dựng mô hình hệ thống kiểm soát bên ngoài; hỗ trợ xúc tiến thương mại CDĐL sản phẩm mật ong Bạc hà; hỗ trợ phát triển chất lượng sản phẩm. Tính đến tháng 12.2015, toàn tỉnh có 27.800 đàn ong, sản lượng mật ong đạt 136 tấn/năm. Việc tổ chức quản lý và phát triển CDĐL Mèo Vạc đối với sản phẩm mật ong Bạc hà bước đầu đạt kết quả tốt…
Đối với phát triển chăn nuôi bò tại 4 huyện vùng cao phía Bắc, hiện nay có trên 78.400 con so với tổng đàn 104.400 con bò toàn tỉnh; trên 11.800 ha cỏ chăn nuôi so với tổng diện 19.400 ha cỏ toàn tỉnh; công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc được chú trọng; chủ động triển khai công tác hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, giải ngân được trên 19,8 tỷ đồng/296 hộ, mua được 748 con trâu, bò. Trong 9 tháng đầu năm, tại 4 huyện vùng cao núi đá đã phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò được 682 lần, trong đó có 456 con bò có chửa; xây dựng 6 trạm truyền tinh nhân tạo…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến yêu cầu 4 huyện vùng cao phía Bắc thống nhất từ ngày 30.11.2016 chỉ có một loại nhãn mác và chỉ bán một giá theo tỷ lệ dung tích của sản phẩm; giao Sở KH&CN đẩy nhanh tiến độ khai thác, chỉ dẫn địa lý; Liên minh HTX có sự phối hợp hướng dẫn phát triển đàn ong; giao Sở KH&CN tiếp tục đẩy nhanh thực hiện chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc hà Mèo Vạc, trước ngày 10.10.2016 triển khai bàn giao ngay lô-gô, nhãn mác cho 4 huyện vùng cao; giao Sở Công thương tham mưu cho tỉnh giải pháp giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phầm mật ong Bạc hà; chủ trì, phối hợp với các ngành tiến hành kiểm tra sản phẩm, phân tích thị trường, thống nhất việc tăng, giảm giá theo từng quý cho hợp lý; tham mưu cho tỉnh việc quản lý, xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép nhãn mác mật ong của địa phương; Sở NN&PTNT ban hành ngay hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nhân giống phát triển đàn ong; chủ trì phối hợp với các ngành bàn các giải pháp tham mưu cho tỉnh cách giải quyết không cho các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh đưa ong vào nuôi trên địa bàn để giữ vững chất lượng, thương hiệu mật ong Bạc hà nhưng vẫn đảm bảo Thông tư số 25 của Bộ NN&PTNT. Đối với phát triển đàn bò, thống nhất 4 huyện vùng cao chỉ nuôi giống bò Mông địa phương; thành lập các HTX, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chăn nuôi bò, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bò vùng cao…
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc