Giảm phát thải, bảo vệ môi trường -nhiệm vụ khoa học và thực tiễn
BHG - Là địa bàn dù ít có các cơ sở công nghiệp quy mô lớn, song những năm qua cùng với cả nước, Hà Giang đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát, giảm thải vấn đề phát thải, kiềm chế việc sử dụng nhiều năng lượng, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm những tác động tiêu cực đến môi trường. Ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) được coi là một trong những ngành đi đầu trong việc tham gia thực hiện các hoạt động trên.
Những năm qua, năng lượng, tài nguyên và đặc biệt là ô nhiễm môi trường đang là những vấn đề nóng toàn cầu. Ở nước ta, ảnh hưởng của vấn đề năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng. Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 27.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường khẳng định sự quan tâm của Chính phủ về vấn đề này.
Các nhà máy thủy điện sau khi đưa vào sử dụng đều phải tham gia đóng góp vào Quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong ảnh: Công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Nho Quốc I, Mèo Vạc. |
Là địa bàn dù ít có các cơ sở công nghiệp quy mô lớn, song những năm qua cùng với cả nước, Hà Giang đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát, giảm thải vấn đề phát thải, kiềm chế việc sử dụng nhiều năng lượng, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm những tác động tiêu cực đến môi trường. Ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) được coi là một trong những ngành đi đầu trong việc tham gia thực hiện các hoạt động trên.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Kỳ Phong, Trưởng phòng Quản lí công nghệ, Sở KH&CN cho biết: Ngành KH&CN thời gian qua đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tham gia ý kiến vào thiết kế cơ sở, các dự án đầu tư, tham gia báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư. Qua thẩm tra, kiểm tra, tư vấn luôn yêu cầu, hướng dẫn các dự án, các chủ đầu tư tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về KH&CN. Yêu cầu trong các dự án đầu tư về máy móc thiết bị phải theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia của Việt Nam hoặc phù hợp với tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Từ những hoạt động đó góp phần kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các tiêu chí về quy mô, công suất, tiêu hao năng lượng, công nghệ và thiết bị sản xuất công nghiệp đối với các dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, theo đồng chí Đỗ Kỳ Phong, những năm qua hoạt động nghiên cứu khoa học ở tỉnh ta luôn khuyến khích việc nghiên cứu các đề tài, dự án thân thiện với môi trường; nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào địa bàn tỉnh ta đã và đang ưu tiên cho các đề tài mang tính tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng năng lượng không tái tạo. Các đề tài ứng dụng mang tính bảo vệ môi trường cao như ứng dụng xây dựng hệ thống bioga, sử dụng ít nước, ít năng lượng...
Cùng với ngành KH&CN, những năm qua nhiều ngành, lĩnh vực của Hà Giang đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế phát thải, tiết kiệm sử dụng năng lượng và sản xuất sạch hơn. Điển hình như việc chúng ta hạn chế và đã cơ bản loại bỏ được hệ thống lò đốt gạch thủ công bằng than đá gây ô nhiễm môi trường; ứng dụng các công nghệ sản xuất gạch tuy nen, gạch không nung; ứng dụng thiết bị sản xuất xi măng tiên tiến hơn. Ngành Giao thông đã phối hợp với các ngành chức năng trong việc kiểm soát các phương tiện giao thông quá niên hạn sử dụng, kiểm định các phương tiện giao thông để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Trong vai trò của một ngành có nhiều hoạt động liên quan đến vấn đề phát thải, năng lượng và môi trường, những năm qua ngành Công thương đã tích cực tham mưu cho tỉnh thực hiện hoạt động tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Cùng với việc thực hiện việc kiểm soát thiết bị, công nghệ sản xuất thì vấn đề tiết kiệm năng lượng rất được quan tâm. Ngành đã tích cực thúc đẩy công tác tuyên truyền tại các địa phương, đơn vị sản xuất, các cơ quan, công sở. Triển khai các chương trình, dự án về ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch...
Đối với ngành Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường, đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện các quy định của Nhà nước về lĩnh vực quản lí tài nguyên rừng, khoáng sản, nước. Đôn đốc các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm việc trồng rừng, phục hồi môi trường sau khai thác; đôn đốc các nhà máy thủy điện thực hiện trách nhiệm nộp phí chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Nhà nước để bù đắp lại những ảnh hưởng do quá trình xây dựng, khai thác và vận hành gây ra.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định 2 khâu đột phá là: Đột phá về ứng dụng khoa học ky thuật và công nghệ vào sản xuất. Điều này khẳng định sự quan tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh đối với lĩnh vực KH&CN. Qua đó, vai trò của KH&CN sẽ được chú trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển KT – XH nói chung, việc tham gia vào vấn đề giảm phát thải, bảo vệ môi trường nói riêng.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc