Công nghệ mạng di động 4G
Ngành công nghiệp viễn thông di động đang lao vào cuộc đua 4G với mục tiêu cung cấp băng thông di động rộng hơn, tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn để đáp ứng cho xu hướng bùng nổ các dịch vụ đa truyền thông, thỏa mãn nhu cầu người dùng ngày càng cao trong xu thế thiết bị đầu cuối đang ngày càng rẻ.
Theo số liệu báo cáo tại Hội nghị quốc tế về công nghệ 4G LTE với chủ đề “Quy hoạch tổng thể, Tối ưu công nghệ và Đa dạng dịch vụ nhằm hướng tới phát triển hài hòa công nghệ 4G tại tiểu vùng sông Mêkông” diễn ra ngày 26/3 tại Hà Nội, tính đến cuối năm 2014, trên toàn thế giới đã có 497 triệu thuê bao 4G LTE. Các chuyên gia cùng chung nhận định, mạng 4G LTE đang là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới. Và dự kiến, đến hết năm 2015, sẽ có 450 mạng 4G LTE được triển khai thương mại trên toàn cầu.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của thế giới. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng cho biết, thời điểm triển khai 4G tại Việt Nam đã chín muồi. Dự kiến Bộ TTTT sẽ cấp phép triển khai 4G trong năm 2016.
Qualcomm, Samsung cùng cho rằng, năm 2015 là thời điểm vàng để Việt Nam triển khai 4G. Các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối tên tuổi trên thế giới đều hào hứng với cuộc chơi mới mang tên 4G, trước triển vọng mạng băng thông rộng di động thế hệ mới sẽ “kích hoạt” một lượng lớn smartphone trang bị chip 4G LTE đang ngày càng trở nên phổ biến, do giá thành giảm dần. Một điều không thể phủ nhận là với băng thông rộng, truyền thông tốc độ cao, 4G LTE sẽ tác động mạnh mẽ làm thay đổi nhiều ngành truyền thống như truyền hình, giáo dục, y tế, bán lẻ và nhiều lĩnh vực khác.
Thời cơ đã có, lợi ích rõ ràng, nhưng thực tế triển khai nhanh 4G không phải là dễ. Tại Việt Nam, sau hơn 4 năm phát triển mạng 3G, lượng thuê bao dịch vụ 3G đã đạt tới gần 30 triệu thuê bao, xét ra vẫn còn khiêm tốn so với tổng số hơn 120 triệu thuê bao di động trên cả nước. Mạng di động 3G đã phủ sóng cả 63/63 tỉnh thành, giá cước cũng được xem là hợp lý, tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn. Đó sẽ là một thách thức không dễ vượt qua cho các nhà mạng trong nước trong việc thu hút thuê bao mới cho mạng 4G.
Và mặc dù giá thiết bị đầu cuối đang ngày càng rẻ đi, băng tần đã có sẵn, nhưng nội dung mới là điều đáng ngại để 4G phát huy hết sức mạnh so với 3G. Như Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nhấn mạnh, 4G chẳng để làm gì nếu người dùng chỉ lướt web, check mail. 4G là nhằm đáp ứng tốt hơn cho các dịch vụ trực tuyến với lưu lượng tải dữ liệu lớn như xem truyền hình, video, thoại có hình, chơi game online cao cấp, hoặc tải về các ứng dụng dung lượng lớn. Tuy nhiên, vấn đề là ngành công nghiệp nội dung số của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với công nghệ di động.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để triển khai 4G, nhưng những thách thức phải đối mặt cũng không phải là nhỏ. “Cuộc chơi” 4G trong xu thế chung của thế giới xem ra không hề dễ đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Theo PCWorldVN
Ý kiến bạn đọc